Nói về hoạt động thừa phát lại (TPL), ông Nguyễn Ngọc Tàu (Trưởng Văn phòng TPL Vĩnh Long) thành thật tâm sự: “Nhiều khó khăn lắm! Văn phòng TPL của tôi mỗi tháng lỗ 40-50 triệu đồng, như vầy riết chắc dẹp luôn quá!”.
Phí tống đạt không đủ tiền xăng xe
Ông Tàu kể: Chuyện TPL phải đi tống đạt văn bản cho đương sự với khoảng cách vài chục cây số là bình thường. Có khi tống đạt xong, quay ra gặp lúc nước ròng, không có tàu ghe nào chạy, bị kẹt lại hôm sau mới về được. Cũng có nhà đương sự ở sâu trong ruộng, băng qua mấy cây cầu khỉ, để xe ngoài đường lộ rồi lội vào tống đạt giấy tờ mà lo ngay ngáy không biết quay ra thì xe còn, mất thế nào. Đi cả ngày tống đạt được một văn bản, thu phí có 50.000 đồng mà tiền xăng, tiền tàu ghe có khi còn nhiều hơn.
Khó khăn càng thêm chồng chất khi gặp trường hợp TPL không tống đạt trực tiếp được văn bản cho đương sự mà phải niêm yết ở UBND xã. Một số UBND xã không chịu ký xác nhận việc niêm yết, một số khóm trưởng, tổ trưởng đòi tiền thù lao mới chịu ký xác nhận vào văn bản tống đạt... “Chúng tôi phải giải thích, thuyết phục dữ lắm họ mới chịu hợp tác. Trời ơi, triển khai thí điểm mở rộng TPL ở các tỉnh đã chín tháng rồi mà đến nay còn có cán bộ tư pháp xã hỏi TPL là gì” - ông Tàu than thở.
Nhiều văn phòng TPL khác cũng đồng loạt kêu cứu về việc Thông tư liên tịch số 09/2014 đã tăng mức phí tống đạt của TPL lên từ 65.000 đồng đến 130.000 đồng/văn bản nhưng hơn nửa năm qua, các tòa án, cơ quan thi hành án (THA) dân sự vẫn áp dụng mức phí tống đạt cũ là từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/văn bản. Có văn phòng TPL còn “tố” thêm chuyện một số tòa còn thương lượng ký hợp đồng “ép” phí tống đạt xuống chỉ còn 30.000 đồng/văn bản.
Văn phòng TPL Vĩnh Long đang tống đạt trực tiếp văn bản cho đương sự. Ảnh minh họa: T.NHƯ
Bị nợ phí tống đạt
Một số văn phòng TPL ở TP.HCM thì than phiền chuyện các chi cục THA quận, huyện còn nợ phí tống đạt của TPL.
Cục THA TP.HCM thừa nhận tính đến tháng 7-2014, các cơ quan THA ở TP.HCM đã chuyển giao 22.323 văn bản, chi phí phải thanh toán khoảng 842 triệu đồng nhưng mới thanh toán cho các văn phòng TPL 392 triệu đồng, còn nợ 450 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Tam (Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ I, Tổng cục THA) cho biết đối với loại án chủ động thi hành, chi phí tống đạt do ngân sách nhà nước chi trả nên hầu như thanh toán đủ cho TPL. Còn khoản nợ phí tống đạt, đa phần rơi vào trường hợp THA theo yêu cầu. Theo quy định, chi phí tống đạt do người có đơn yêu cầu THA chi trả, thường thanh toán sau khi họ nhận được tiền, tài sản. Nhưng THA xong một vụ khá lâu, chi phí tống đạt sẽ tạm ứng từ ngân sách nhà nước và chấp hành viên phải chịu trách nhiệm thu hồi, hoàn trả ngân sách sau khi THA xong. Vì vậy một số chấp hành viên ngần ngại tạm ứng ngân sách để thanh toán chi phí tống đạt cho TPL, dẫn đến nợ kéo dài.
Chấp hành viên ít chuyển giao văn bản Một số văn phòng TPL còn than phiền các chấp hành viên ít chịu chuyển giao văn bản cho TPL tống đạt hoặc chuyển giao lẻ mẻ mỗi ngày vài văn bản, làm TPL thêm cực. Về chuyện này, Phó Cục trưởng Cục THA TP.HCM Võ Minh Hòa cho biết: Nguyên nhân là do một số chi cục THA thụ lý hồ sơ ít, khoảng cách từ văn phòng TPL đến chi cục THA tương đối xa. Do đó nhiều khi chấp hành viên thực hiện ngay việc tống đạt văn bản trực tiếp cho đương sự khi đương sự đến làm việc cho thuận tiện. Mặt khác việc tống đạt các quyết định về THA thường được các chấp hành viên thực hiện kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ khác như giải thích pháp luật, thuyết phục đương sự tự nguyện chấp hành bản án; tìm hiểu thông tin về nhân thân, hoàn cảnh, tâm lý của đương sự và xác minh điều kiện THA để lựa chọn biện pháp THA phù hợp. Trong khi hoạt động tống đạt của TPL thì không thể kết hợp thêm các hoạt động nghiệp vụ của chấp hành viên nên sẽ làm tốn kém thời gian, chi phí cho quá trình tổ chức THA. “Khoản chi phí tống đạt này sau đó do người có yêu cầu THA phải chi trả. Cục THA không chịu phí này và cũng không hưởng lợi gì trong đó nên không làm khó, không giành quyền tống đạt làm gì” - ông Hòa giãi bày thêm. Việc chuyển giao văn bản lẻ mẻ cho văn phòng TPL cũng được ông Hòa giải thích là vì pháp luật về THA quy định việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản. Do đó để tạo điều kiện cho TPL tống đạt văn bản đúng thời hạn, sau khi ban hành văn bản thì các đơn vị THA phải chuyển giao ngay cho văn phòng TPL mỗi ngày. Tòa, THA sợ “liên lụy” Theo Cục THA TP.HCM, một số văn bản THA được tống đạt vượt quá thời hạn (ba ngày) so với quy định. Bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh văn phòng TAND TP.HCM) cũng than phiền một số trường hợp TPL tống đạt văn bản không đúng quy định dẫn đến thẩm phán bị hủy án oan uổng, tốn kém ngân sách, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. “Không phải tòa làm khó TPL. Nhưng thử nghĩ cho tòa xem, vụ án 45 đương sự mà tống đạt không đúng thủ tục với một đương sự, họ khiếu nại là bị hủy cả vụ án, xét xử lại. Có án đã kéo dài 10-20 năm, xử đi xử lại nhiều lần mà bây giờ bị hủy vì lỗi nhỏ xíu này nữa thì thế nào?”. |