Nhiều nơi làm khó thừa phát lại

Theo ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Bổ trợ Sở Tư pháp TP.HCM), một số tòa đã yêu cầu thừa phát lại (TPL) khi tống đạt giấy tờ cho cá nhân phải có dấu xác nhận của UBND xã, phường nơi người được tống đạt cư trú trên các văn bản tống đạt trực tiếp và tống đạt thành, văn bản giao giấy tờ cho thân nhân người được tống đạt nhận thay hay văn bản tống đạt không thành. Trong khi đó, UBND các xã, phường không đồng ý đóng dấu lên văn bản do họ không chứng kiến việc tống đạt và họ cũng không có thời gian đi cùng TPL thực hiện tống đạt.

Luật không quy định, tòa vẫn yêu cầu

Về chuyện này, ông Phạm Quang Giang (Trưởng Văn phòng TPL quận 5) cho biết hiện mỗi tòa đang áp dụng một kiểu. Trong ba tòa mà Văn phòng TPL quận 5 nhận tống đạt giấy tờ thì TAND quận 5 và TAND quận 11 đã chấp nhận không cần dấu của ủy ban, chỉ cần có cán bộ tư pháp chứng kiến, riêng TAND huyện Củ Chi vẫn bắt buộc phải có dấu của ủy ban. Trong khi đó, Điều 152 BLTTDS (về tống đạt văn bản) không quy định phải có dấu xác nhận của ủy ban xã, phường nơi người được tống đạt cư trú.

Ông Giang cũng cho biết khi tống đạt giấy tờ cho cơ quan, tổ chức, một số tòa đòi hỏi giấy tờ phải do chính người đại diện cơ quan, tổ chức nhận, không chấp nhận bất kỳ một bộ phận nào khác, kể cả trưởng phòng pháp chế hay bộ phận hành chính - văn thư (nơi có chức năng nhận văn bản đến của cơ quan, tổ chức). Điều này đã gây không ít khó khăn cho TPL.

Thừa phát lại đang tổ chức thi hành án. Ảnh: Thừa phát lại 24h.

Trao đổi lại, bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh Văn phòng TAND TP.HCM) nói nếu không có dấu xác nhận của UBND địa phương thì lấy gì chứng minh. Nếu tống đạt không đúng người nhận hay người được tống đạt không nhận giấy tờ... thì dù có sai sót nhỏ mà đương sự khiếu nại là tòa vẫn bị hủy án như thường. Bà Thúy kể: “Có trường hợp hôm trước người chồng dẫn người khác đi nộp đơn xin ly hôn, sau đó lại… dẫn một người khác nữa đi xin thuận tình ly hôn. Vì vậy, để đảm bảo đúng người, có khi chúng tôi còn phải cho lăn tay”.

Theo bà Thúy, luật không thể quy định hết mọi tình huống nên việc tòa yêu cầu TPL lấy dấu xác nhận của ủy ban là thủ tục cho đúng, cho đủ. “Trước đây, ở trại giam Chí Hòa, khi làm biên bản lấy lời khai thì cán bộ quản giáo của trại giam ký tên nhưng từ chối đóng dấu. Sau đó, VKSND TP.HCM đã có văn bản về việc này là phải đóng dấu” - bà Thúy nói.

Bị từ chối cung cấp thông tin

Theo đại diện Văn phòng TPL quận Tân Bình, khi xác minh về điều kiện thi hành án (THA) tại các cơ quan công an, thuế, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, ngân hàng…, TPL cũng thường xuyên bị từ chối cung cấp thông tin.

Chẳng hạn, Cục Thuế TP.HCM từ chối cung cấp thông tin về báo cáo thuế, báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà cơ quan này quản lý với lý do “văn phòng TPL không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định”. Hay khi TPL xác minh chủ sở hữu phương tiện giao thông tại Phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM thì bị yêu cầu phải cung cấp giấy ủy quyền có công chứng, chứng thực. Trong khi đó, văn phòng TPL không phải là người được THA mà thuộc diện được xác minh điều kiện THA nên lẽ ra chỉ cần xuất trình hợp đồng dịch vụ là đủ. Đối với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì từ chối cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý nhà, đất mà TPL cung cấp. Họ yêu cầu TPL cung cấp số tờ bản đồ, thửa đất trong khi đó đây cũng chính là thông tin mà TPL cần cơ quan này cung cấp.

Ông Nguyễn Hữu Đức (Phó phòng Pháp chế Cục Thuế TP.HCM) có trao đổi lại như sau: Theo Điều 73 Luật Quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế phải bảo mật thông tin của người nộp thuế, trừ trường hợp các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan điều tra, VKS, tòa yêu cầu cung cấp thông tin. Luật không liệt kê văn phòng TPL thuộc diện được cung cấp thông tin như trên. Ông Đức cho rằng khi các văn bản quy phạm pháp luật về thuế chưa sửa đổi thì cần kiến nghị với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc...

Kết thúc hội thảo, đại diện liên ngành TAND - VKSND - THA - Sở Tư pháp ở TP.HCM đều thống nhất là sẽ sớm có quy chế liên ngành để quy định các thủ tục liên quan đến hoạt động TPL.

KIM PHỤNG

“Biệt phái” chấp hành viên?

Tại hội thảo, ông Võ Minh Hòa (Cục phó Cục THA dân sự TP.HCM) cho biết đã gửi văn bản xin ý kiến cấp trên về việc biệt phái chấp hành viên qua làm việc trong văn phòng TPL. Theo ông Hòa, có hai cái lợi trong việc này: Một là văn phòng TPL có thể “chia lửa”, giảm bớt áp lực, số lượng công việc cho cơ quan THA. Hai là khi chấp hành viên làm việc ở đây sẽ giúp nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn của văn phòng TPL, giúp TPL thêm kinh nghiệm xử lý việc THA.

UBND TP.HCM yêu cầu hỗ trợ TPL

Ngày 15-8, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành; UBND các quận, huyện; công an, VKSND, TAND, Cục THA dân sự… tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động của TPL.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Công an TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký xe phục vụ cho công tác xác minh THA theo yêu cầu của TPL; chỉ đạo công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, hỗ trợ TPL tống đạt văn bản, xác minh điều kiện THA và tổ chức THA.

Cục THA dân sự TP có trách nhiệm chỉ đạo các chi cục THA đẩy mạnh chuyển giao văn bản tống đạt cho TPL thực hiện, chủ động thanh toán kịp thời kinh phí tống đạt, hướng dẫn nghiệp vụ THA cho các văn phòng TPL…

Sở TN&MT có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP cung cấp kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho TPL. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM hướng dẫn các ngân hàng và tổ chức tín dụng kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, phong tỏa tài khoản của người phải THA theo yêu cầu của TPL…

UBND TP.HCM cũng đề nghị TAND, VKSND tiếp tục phổ biến, quán triệt về chủ trương thí điểm chế định TPL, trong phạm vi trách nhiệm của mình hỗ trợ cho hoạt động của TPL và thường xuyên thông tin cho Sở Tư pháp về các hoạt động của TPL.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm