Vừa tròn 17 tuổi nhưng ngòi bút thư pháp Việt của cậu bé Nguyễn Bình Thuận, học sinh lớp 11B4 Trường THPT Phạm Thái Bường, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), đã thanh thoát, điệu nghệ khi chỉ luyện gần một năm nay.
Từ “viết như cua bò”
Tiếng lành đồn xa về tài năng thư pháp của Thuận, chúng tôi vượt một chặng đường khá dài gần 100 km từ Cần Thơ tìm về số nhà 37B Lý Tự Trọng, khóm 1, phường 4, TP Trà Vinh, nơi Thuận đang sống cùng với gia đình.
Mẹ của Thuận là cô Lâm Thị Suôl (54 tuổi) không khỏi bất ngờ vì lần đầu báo chí đến nhà tìm Thuận. Theo cô Suôl, gia đình xuất thân nông dân cắm cúi suốt ngày với ruộng rẫy chứ không có truyền thống nghệ thuật hay viết thư pháp gì cả. Còn Thuận khi nghe chúng tôi hỏi chuyện, cậu thanh niên mới lớn bẽn lẽn không nói nhiều mà dẫn chúng tôi lên gác để chiêm ngưỡng thế giới thư pháp của mình.
Căn phòng nhỏ khoảng 9 m2 trên gác xép vừa là không gian học tập, cũng là nơi “bế quan” luyện thư pháp của Thuận. Ở đây gần trăm bức thư pháp Thuận đóng khung treo trên tường rất trang trọng, trong số này có những bức màu còn lem luốc, chữ còn nguệch ngoạc… Theo lời Thuận, đó là những bức tranh mà trước đây em luyện tập, giờ giữ lại làm kỷ niệm những ngày đầu làm quen với thư pháp Việt…
Thuận tặng tranh cho mẹ nhân Ngày của mẹ. Ảnh: TÍN HUY
… Đó là năm lớp 10. Lúc đó Thuận thấy những con chữ thư pháp trên mạng xã hội nên mê lắm và bắt đầu mày mò tập tành viết theo. Ban đầu chỉ viết dựa trên cây bút mực, viết từng chữ rồi tô đậm từng nét cho giống thư pháp nhưng rồi không thành công, lại sinh ra chán nản bởi nhiều bạn bè của Thuận cười nhạo “sao mày viết như cua bò vậy Thuận”.
Có lẽ vì câu nói này mà niềm đam mê của Thuận trở nên máu lửa, quyết tâm luyện tập hăng say để vượt qua mọi rào cản, mọi sự thách thức từ bạn bè. Chỉ trong thời gian ngắn sau lần bỏ cuộc đầu tiên đó, Thuận tiếp tục mày mò rèn luyện nét chữ, học hỏi từ các trang mạng xã hội, YouTube… và đã đạt được những thành công đầu tiên với những con chữ bắt đầu có thần thái. “Viết thư pháp hướng con người mình tốt hơn, như mấy câu văn, câu thơ mang những ý nghĩa sâu sắc, một triết lý sống hướng con người đến điều tốt lành nên qua thư pháp em muốn chuyển tải đến mọi người, đó cũng là điều giúp em thành công” - Thuận nói.
... Đến rồng bay phượng múa
Dù không có người cầm tay chỉ việc, vậy mà từ cách pha màu, phối màu, bố cục tranh, bố cục chữ, vẽ họa tiết, cậu bé Thuận đều rất thuần thục. Ngoài vẽ được tranh phong cảnh, quê hương…, Thuận còn vẽ được hoa sen, cá chép…
Hiện nay, giới thư pháp Trà Vinh không ai không biết đến tên tuổi của Thuận. Bởi thư pháp của Thuận có sự sáng tạo, phá cách trẻ trung từ nét chữ đến họa tiết và màu sắc.
Vì vậy, có nhiều người từ TP.HCM và các tỉnh khác truyền tin nhau rồi đặt tranh của em như tranh đóng khung, liễn và móc khóa thư pháp. Đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, tranh của em bán “đắt như tôm tươi”. Thuận cũng rất “thức thời” khi biết tiếp thị sản phẩm của mình trên trang Facebook cá nhân. Em cho biết số tiền kiếm được em để dành trang trải việc học, tiền giấy mực thư pháp và phụ mẹ lo cho gia đình.
Một tác phẩm của Thuận
Những lúc khách đặt hàng nhiều, cô Lâm Thị Suôl (mẹ Thuận) luôn đồng hành với Thuận từ việc đóng khung tranh đến gửi hàng ra bưu điện chuyển cho khách phương xa. Bởi cô xác định công việc chính của Thuận ngay lúc này là học, “Thuận thành công là cô rất mừng, rất tự hào nhưng việc học là quan trọng nhất. Có cái nghề rồi sau này muốn làm gì cũng được nên cô không muốn Thuận chú tâm vào thư pháp mà bỏ bê chuyện học” - mẹ của Thuận chia sẻ. Với Thuận cũng vậy, ước mơ sau này của em là đậu ĐH Kiến trúc TP.HCM về lĩnh vực hội họa nên em luôn xác định việc học là trên hết.
Thuận còn chia sẻ thời gian tới sẽ mở một câu lạc bộ thư pháp vào các ngày cuối tuần không chỉ ở Trà Vinh mà ở huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh để gắn kết niềm đam mê thư pháp của mọi người lại với nhau. “Em muốn làm gì đó, những gì về thư pháp em biết được bao nhiêu em sẽ chia sẻ bấy nhiêu”. Với Thuận, đó là sự yêu nghề. Bởi mong muốn của Thuận là tạo cho các bạn trẻ có niềm đam mê thư pháp, đồng thời muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hồ Thuận - CLB thư pháp Hoa chữ Việt, TP.HCM và là đàn anh gắn bó chơi thân với Nguyễn Bình Thuận thông qua niềm đam mê thư pháp cho biết: “Thư pháp là cái duyên mang những người xa lạ đến gần nhau, gắn bó với nhau vì cùng đam mê cái đẹp, yêu cái đẹp và tìm về giá trị truyền thống. Chính vì niềm đam mê thư pháp đó mà tôi và cậu bé thư pháp Trà Vinh biết đến nhau”. Nói về bút lực của Nguyễn Bình Thuận, Hồ Thuận cho biết: “Bình Thuận chỉ luyện trong thời gian ngắn mà thành công vậy là năng khiếu nhưng đó chỉ là một phần, phần còn lại chính là ngọn lửa đam mê không bao giờ tắt, bởi bút lực không phải ngày một ngày hai mà có, có người viết cả chục năm mới định hình được nét chữ và bút lực. Thời gian tới cậu bé này sẽ còn phát triển hơn nữa, vươn xa hơn nữa”. ______________________________ Một bức thư pháp của Thuận. Ảnh: TÍN HUY Chân ướt chân ráo bước vào thư pháp Việt nhưng trong năm 2016 Nguyễn Bình Thuận đã được CLB thư pháp Trà Vinh mời đi tặng chữ cho một công ty tại Bến Tre. Năm 2017, Thuận được mời tham gia trong chương trình hướng nghiệp “Khi tôi 18” tại Trường Thực hành sư phạm Trà Vinh. Gần nhất là tham dự viết thư pháp tại hội chợ Trà Vinh do ĐH Trà Vinh tổ chức. |