Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển, hàng không

Chiều 12-1, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ GTVT tổ chức cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển.

Muốn xuất khẩu đường biển, giấy tờ phải đầy đủ

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết hiện tại, phía Trung Quốc (TQ) đã thông báo nhập khẩu thanh long trở lại qua cửa khẩu Hà Khẩu, tương ứng với cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Trước đó có cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đã cho thông quan nhưng ngày hôm nay đã tạm dừng do phát hiện lô hàng nhiễm virus SARS-CoV-2 trên bao bì, nên phải tạm dừng để khử khuẩn, sau đó mới có thể tiếp tục. “Vấn đề làm sao phải kiểm soát chặt SARS-CoV-2 không bị nhiễm vào bao bì, nhãn mác trong quá trình sản phẩm” - Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Hàng ngàn container, chủ yếu là nông sản bị ùn tắc tại cửa khẩu biên giới
từ tháng 12-2021 đến nay. Ảnh: TÙNG ĐINH

Theo ông Nam, sắp tới, thị trường TQ sẽ nghỉ tết Nguyên đán, nhiều cửa khẩu sẽ đóng cửa một tuần hoặc lên tới 14 ngày, do đó nếu nông sản dồn lên cửa khẩu lúc này sẽ rất khó khăn. Do đó, cần tính đến phương án vận chuyển bằng đường biển.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho biết khó khăn vận chuyển nông sản bằng đường biển hiện nay là thiếu container và chi phí.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết hiện có khoảng 30 hãng tàu vận chuyển đi TQ. Hầu hết các hãng đi qua các cảng lớn ở TQ như Xà Khẩu, Thượng Hải, Đại Liên… sau đó thông qua hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa để đi về các địa phương. Việc thu xếp chỗ cho container lạnh, số lượng giắc cắm điện chỉ bố trí được khoảng 20% tổng số lượng.

“Để hàng xuất đi bằng đường biển phải chính ngạch, giấy tờ chứng từ đầy đủ. Theo quy định của phía TQ, họ yêu cầu mã số vùng trồng khắt khe. Nếu giấy tờ không bảo đảm sẽ bị trả ngược, chủ hàng phải chịu toàn bộ chi phí” - đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Đáng lưu ý, hiện một số cảng biển ở TQ cũng bị ùn tắc, giá được đẩy tăng cao. “Chúng tôi đang khuyến khích các hãng tàu tăng tần suất tàu vào các cảng ở TQ, cũng như đưa số container rỗng về Việt Nam để có container chở hàng xuất khẩu. Thời gian tới, nếu kế hoạch xuất khẩu về hoa quả được rõ ràng, các doanh nghiệp có cam kết nhất định để khối lượng, thời gian hàng hóa thì chúng ta có thể từng bước tăng cường chuyển đổi từ đường bộ sang đường biển” - đại diện Cục Hàng hải Việt Nam nói.

Xem xét vận tải hàng không

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng chuyển sang phương thức chính ngạch, đường biển, hàng không… không chỉ ngày một ngày hai. Đằng sau đó không phải vấn đề cửa khẩu mà phải thay đổi tư duy, đồng bộ từ trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nhà vườn.

“Nếu chuyển sang đường biển chắc chắn không thể cung cấp cho khách hàng cũ, do đó phải tìm khách hàng mới, nếu ngại điều này rõ ràng sẽ phải quay lại câu chuyện như hiện nay. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, có thể xem xét vận tải hàng không riêng đối với những quãng đường ngắn để góp phần giảm tải, đưa được sản phẩm tới nhiều quốc gia hơn nữa” - ông Hải nêu giải pháp.

Theo ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đứng thứ ba về sản xuất thanh long, sau khi gặp khó khăn về việc xuất khẩu nông sản sang TQ, tỉnh đã tìm kiếm các giải pháp, tháo gỡ. Đơn cử như Tiền Giang đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khác như Úc, Canada…

Ông Trọng kiến nghị cần xây dựng các đầu mối thông tin để có định hướng, sản xuất được thuận lợi không chỉ đối với mặt hàng thanh long mà còn các mặt hàng nông sản khác.•

 

Khôi phục thông quan trái cây qua cửa khẩu Lào Cai

Bộ Công Thương vừa cho biết ngày 12-1, chính quyền Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (TQ) đã chính thức khôi phục thông quan nhập khẩu các mặt hàng trái cây tươi (bao gồm thanh long), hàng đông lạnh tại cửa khẩu Hà Khẩu, tương ứng phía Việt Nam là cửa khẩu Kim Thành II, Lào Cai.

Bộ Công Thương đánh giá việc tỉnh Vân Nam khôi phục thông quan nhập khẩu trái cây tươi, bao gồm thanh long, hàng đông lạnh qua cửa khẩu này sẽ góp phần giảm áp lực ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Ùn tắc nông sản làm nóng cuộc họp báo Bộ Công Thương

Chiều 12-1, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Câu chuyện ùn tắc hàng ngàn container nông sản xuất khẩu sang TQ được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết nguyên nhân khiến hàng nông sản xuất khẩu sang TQ bị ùn tắc vừa qua là do TQ tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu. “Với những cửa khẩu còn hoạt động thì quá trình thông quan bị siết chặt để kiểm soát dịch COVID-19” - bà Trang nói.

Theo bà Trang, trong hai năm qua, dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng xuất khẩu nông sản vào thị trường TQ vẫn rất tích cực, mức tăng trưởng đạt 18,3%. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại gần đây, phía TQ có sự quan ngại về kiểm soát dịch nên tăng cường quản lý rất chặt chẽ.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, bà Trang chia sẻ chúng ta cũng có những điểm yếu cố hữu trong việc sản xuất và xuất khẩu nông sản. Đó là việc sản xuất chưa bám sát nhu cầu thị trường, chất lượng nông sản. Cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm dẫn đến chỉ có một số sản phẩm nông sản trái cây được đi chính ngạch, còn lại phải sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) để xuất khẩu sang TQ…

Về các giải pháp tháo gỡ, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho hay Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh biên giới để kịp thời nắm tình hình và có giải pháp ngay lập tức. Bộ cùng với Bộ Ngoại giao tăng cường trao đổi với phía bạn để thống nhất về quy trình giao nhận, hay kéo dài thời gian thông quan... A.HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới