Thực hiện chương trình GDPT mới, thiếu đủ thứ

(PLO)- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay đã triển khai gần ba năm. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục phải tìm mọi cách xoay xở để thực hiện vì thiếu phòng học, giáo viên… lẫn thiết bị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức các tổ giám sát tại nhiều địa phương ở TP.HCM về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nhìn đâu cũng thiếu

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trò chuyện với học sinh Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12 tại buổi giám sát ngày 16-3. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trò chuyện với học sinh Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12 tại buổi giám sát ngày 16-3.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tại các đơn vị, hầu hết lãnh đạo, giáo viên (GV) đánh giá chương trình mới đã phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh, giảm tải kiến thức cho người học. Tuy nhiên, nếu quá trình chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất được chu đáo hơn thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Tình trạng thiếu GV, phòng học, thiết bị phổ biến tại các cơ sở. Trường học phải xoay xở, “chắp vá” để cố gắng triển khai.

Làm việc với đoàn giám sát, bà Nguyễn Hoàng Yến (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, quận 12) cho biết trường có 3.369 em, sĩ số trung bình 50,3 học sinh/lớp. Trường có 67 lớp nhưng chỉ có 22 lớp được tổ chức học hai buổi/ngày.

Năm học 2022-2023, trường đã mượn 14 phòng học tại Trường THCS Tô Ngọc Vân để tổ chức dạy hai buổi/ngày với khối lớp 5. Không chỉ thiếu phòng học, trường còn không có các phòng bộ môn như mỹ thuật, âm nhạc, chỉ có duy nhất một phòng tin học. GV các môn như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất đều không tuyển được, vì thế phải bố trí GV kiêm nhiệm.

Hiện TP còn khoảng 10 quận, huyện rơi vào tình cảnh khó khăn về trường lớp, riêng quận Tân Phú không còn khu vực nào để tạo lập quỹ đất cho giáo dục.

Tại Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12), ông Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường xây dựng theo chuẩn chương trình cũ, cách đây 24 năm nên chưa đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện chương trình mới. Nhà trường thiếu phòng học STEM, phòng học nghệ thuật, phòng học ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, đa chức năng.

Bên cạnh đó, dù trường đã đề xuất thiết bị dạy học cho học sinh lớp 7 nhưng vẫn chưa nhận đủ. Nhà trường đã tận dụng những thiết bị dạy học từ chương trình năm 2006.

“Bởi thực tế, chương trình mới là kế thừa và phát huy những điểm tích cực của chương trình cũ. Vì thế, tận dụng những thiết bị còn sử dụng được cũng hợp lý. Bên cạnh đó, đội ngũ GV của trường trẻ và rất nhiệt huyết. Họ dành thời gian sáng tạo, thiết kế các đồ dùng để phục vụ giảng dạy” - ông Trịnh nói thêm.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những môn học như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, tài liệu giáo dục địa phương chưa có GV được đào tạo chính quy. Do đó, nhà trường phải phân công GV kiêm nhiệm sau khi được tập huấn và tự bồi dưỡng kiến thức.

Ông ĐINH VĂN TRỊNH, Hiệu trưởng

Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12

Xây trường, tuyển giáo viên không dễ

Ở góc độ quản lý, bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết địa phương đưa việc xây dựng trường lớp vào nghị quyết của quận. Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng dân số hiện nay và những vướng mắc trong quá trình xây dựng, thu hồi quỹ đất khiến quận khó có thể đảm bảo được trường lớp để thực hiện chương trình. Cụ thể, đến thời điểm này, TP mới chỉ duyệt trung hạn cho năm dự án trường học và đến giai đoạn cấp vốn còn là vấn đề dài. Ngoài ra, quận cũng đang rà soát đất công thuộc các tổ chức nhà nước sử dụng không hiệu quả để thu hồi phát triển trường học. Quận đề xuất 14 khu đất nhưng chưa thể thu hồi.

Tương tự, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho hay giá đất bồi thường của Nhà nước hiện nay quá thấp so với thị trường nên khó có thể kêu gọi người dân chuyển nhượng. Hơn nữa, nhiều thủ tục xây dựng còn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ. Một số quy định trong Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất gây khó khi thực hiện cần bãi bỏ.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng TP có quy hoạch mạng lưới trường lớp và cập nhật thường xuyên. Hiện TP còn khoảng 10 quận, huyện rơi vào tình cảnh khó khăn về trường lớp, riêng quận Tân Phú không còn khu vực nào để tạo lập quỹ đất cho giáo dục.

“Việc xây dựng trường học đang thực hiện theo quy định chung của bộ, tại TP có nhiều vị trí đất không đáp ứng theo quy định. Vấn đề này các ban ngành cần phải tháo gỡ. Nhiều khu đất buộc phải xây cao tầng nhằm đáp ứng và giải quyết nhu cầu học tập cho con em người dân” - bà Tuyết cho hay.

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng GV, ông Nguyễn Hải Hiệu, Phó Trưởng phòng Tổ chức biên chế sự nghiệp, Sở Nội vụ, chia sẻ: Với tốc độ tăng dân số cơ học hiện nay, yêu cầu sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy thật sự là thách thức rất lớn của TP.HCM. Chính sách tiền lương, thu nhập của GV hiện nay quá thấp cũng là vấn đề.

Đơn cử GV mới ra trường có thu nhập hơn 3,4 triệu đồng/tháng, chưa tính thời gian tập sự chỉ được hưởng 85% lương và trừ đi các khoản đóng góp khác. Mức thu nhập này nếu không thay đổi thì GV thiếu vẫn cứ thiếu.•

Xây dựng thí điểm nghị quyết cơ chế, chính sách vượt trội

Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng với cơ chế, thu nhập hiện nay rất khó có thể tuyển dụng được GV, đặc biệt là GV tiếng Anh và tin học theo chương trình mới.

“Chúng ta muốn làm rất nhiều nhưng nguồn lực hạn hẹp. Chúng tôi đang xây dựng thí điểm nghị quyết cơ chế, chính sách vượt trội, rất mong được Quốc hội ủng hộ. Nếu cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM được thông qua sẽ giúp TP tháo gỡ nhiều khó khăn nội tại hiện nay” - ông Ngân nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm