Kiến nghị hàng loạt giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình mới tại TP.HCM

(PLO)-  Xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên (GV) dạy 2 buổi/ngày; có cơ chế riêng cho GV tiếng Anh, tin học....là những kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đến các ban ngành để triển khai chương trình mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-3, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng nay
Toàn cảnh buổi làm việc sáng nay

74,1% học sinh tiểu học 2 buổi/ngày

Theo báo cáo của đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM hiện TP.HCM có 22.482 GV tiểu học, 17.484 GV THCS và 12.005 GV THPT. GV tiểu học đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn là 83%. 100% GV đều tham gia bồi dưỡng thực hiện chương trình mới.

Thực tế, khi triển khai, các trường đều thiếu nguồn tuyển GV môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc và mỹ thuật. Để giải quyết tình trạng trên, các đơn vị hợp đồng thỉnh giảng, sắp xếp GV dạy thêm giờ.

Tại TP.HCM, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày tại bậc tiểu học là 74,1%, đối với THCS là 63,2%, THPT là 95,3%. Hệ thống trường lớp luôn được quan tâm xây dựng mới. Tuy nhiên, các khu vực có dân số tăng cơ học cao là áp lực. Bởi quy trình đầu tư công kéo dài, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, thiếu quỹ đất...

Thiết bị dạy học 100% trường học đảm bảo về mặt cơ bản, tuy nhiên, thiết bị tin học cũ, chậm thay thế; thiết bị dạy ngoại ngữ chưa được đầu tư.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong quá trình triển khai, TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể đội ngũ GV chưa đồng bộ, GV dạy tích hợp chủ yếu đơn môn; tỷ lệ phòng học chưa đáp ứng. Nhiều trường thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng. Tuyển dụng GV gặp khó, không có nguồn tuyển.....

Xây dựng chính sách hỗ trợ GV dạy buổi 2

Trước thực tế triển khai chương trình, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đề xuất nhiều vấn đề đối với các bộ, ngành liên quan.

Đoàn kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp trong một giờ học
Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp trong một giờ học

Về phía Chính phủ, đoàn đề xuất phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xuất bản sách giáo khoa; xem xét có chính sách hỗ trợ giá cho sách giáo khoa.

Chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho GV tiếng Anh, tin học để thu hút và giữ chân; quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cần phải có thêm chính sách ưu đãi về đất đai để huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển trường học.

Đặc biệt cần sớm xây dựng cơ chế chính sách cho GV dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi 2 khi dạy chương trình mới.

Đối với Bộ GD&ĐT, đoàn kiến nghị phải có giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng thiếu GV, thiếu nguồn tuyển GV dạy môn học mới; nâng chỉ tiêu đào tạo GV các môn học đang bị thiếu cục bộ. Bên cạnh đó, Bộ phải có hướng dẫn thống nhất về việc quy định học sinh thay đổi môn học, chuyên đề học tập tự chọn tại bậc THPT.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần ban hành hướng dẫn in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương cho các tỉnh thành; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền chính sách nâng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.

Đối với Bộ Tài Chính cần phải rà soát các quy định hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu tập trung mua sắm máy tính phục vụ cho chương trình.

Bộ xây dựng cần có quy định đặc thù, linh hoạt trong quy chuẩn xây dựng trường học đối với các địa phương khu vực trung tâm các đô thị.

Về phía TP, đoàn kiến nghị quan tâm chỉ đạo tốt việc thực hiện quy hoạch mạng lưới; tiếp tục chỉ đạo phân cấp tuyển dụng GV TP Thủ Đức, các quận, huyện. Đặc biệt TP phải xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực đối với nghề giáo.

Sở GD&ĐT TP tiếp tục tham mưu UBND tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm thực hiện như con người, tài chính, cơ sở vật chất; tiếp tục tổ chức, đào tạo bồi dưỡng GV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm