Quận Gò Vấp: Giá bồi thường đất xây trường thấp hơn gần 6 lần giá thị trường

(PLO)- Một trong những nguyên nhân khiến quận Gò Vấp, TP.HCM chậm xây thêm trường học là khó mua lại đất "sạch" của dân do giá bồi thường của Nhà nước quá chênh lệch giá thị trường.  

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-3, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Đề cập đến việc xây dựng phòng học để đáp ứng chương trình mới, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết đến năm 2022, quận có hơn 2.900 phòng học và hơn 127.000 trẻ trong độ tuổi đi học. Theo chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, đến năm 2025, quận phải xây dựng hơn 1.000 phòng học là điều không dễ đạt được.

Trong khi đó, đất “sạch” trong dân có nhưng đều phải mua lại. Tuy nhiên, giá bồi thường của Nhà nước hiện quá thấp, chỉ 6 triệu đồng/m2 nhưng giá thị trường hiện nay lên đến 35 triệu đồng/m2 nên người dân không đồng thuận.

Trước những khó khăn trên, ông Thanh cho biết quận Gò Vấp đề nghị tăng giá trị bồi thường hỗ trợ hoặc có chính sách bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân quy hoạch để tăng sự đồng thuận.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bên cạnh đó, phòng GD&ĐT đề nghị UBND TP rà soát, bàn giao quỹ đất của các đơn vị không có nhu cầu giao cho nhà nước để bổ sung vào quỹ đất giáo dục. Thực tế, có nhiều kho bãi của các đơn vị sản xuất chưa sử dụng.

Đối với nhóm trường đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị TP cần có cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính, quy hoạch đầu tư để huy động nguồn lực

Phòng cũng kiến nghị TP cho phép đầu tư xây dựng các trường học từ nguồn xã hội hoá, trên các đất có quy hoạch đất ở, đất nông nghiệp, đất dịch vụ thương mại mà không cần điều chỉnh quy hoạch.

Ngoài ra, theo ông Thanh, các thủ tục về xây dựng còn phức tạp, kéo dài thời gian nên ảnh hưởng tiến độ.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Hơn nữa, với tiêu chí 8 đến 10m2/học sinh theo Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT ban hành ở những khu vực như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, ít dự án đạt được.

Mặt khác, thông tư này cũng yêu cầu tính diện tích đất trên đầu học sinh, không còn tính diện tích sàn sử dụng, dẫn đến bất cập các quận huyện không muốn xây trường mới.

"Ví dụ trường học này có một trệt, hai lầu. Trước đây tính tổng diện tích sàn, chúng ta sẽ được nhân ba lần diện tích đất nhưng bây giờ không làm được như vậy. Như vậy số học sinh sẽ giảm đi 2/3 vì diện tích chỉ còn 1/3. Vậy làm sao có chỗ cho học sinh để học? Chúng tôi mong muốn nhanh chóng tháo gỡ quy định trên không chỉ cho TP.HCM mà còn các tỉnh thành khác trên cả nước” - ông Thanh nêu.

Ngoài ra, vấn đề có định biên nhưng không tuyển đủ giáo viên cũng được ông Thanh đề cập tại cuộc họp.
Lý do là thu nhập đầu vào hiện nay của các giáo sinh mới tuyển rất thấp, thấp hơn mức sàn thu nhập của TP.HCM.

Hơn nữa, chính sách tuyển dụng còn có những vấn đề bất cập. Ví dụ việc để ứng viên tự do ứng tuyển dẫn đến tình trạng có trường quá nhiều ứng viên nhưng có trường không có ai.

"Sau khi tuyển dụng xong, thấy trường khác tuyển vị trí “ngon” hơn các em lại ứng tuyển, làm cho đội ngũ xáo trộn. Những quy định này cần điều chỉnh sao cho hợp lý để không gây khó khăn cho công tác giảng dạy của các trường" - ông Thanh ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm