Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Trong bản dự thảo lần 3 này, điểm đáng chú ý là Bộ Công Thương không còn quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dự thảo chỉ nêu trách nhiệm của Bộ Tài chính hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ bình ổn vào ngân sách nhà nước.
Với quy định như vậy khiến nhiều người hiểu rằng cơ quan soạn thảo đang đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Số dư quỹ hiện tại sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trao đổi với PLO chiều 12-7, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay quỹ bình ổn xăng dầu vẫn có.
Cụ thể, bà Hiền cho biết quỹ bình ổn tại dự thảo nghị định hiện nay là thực hiện theo quy định của Luật Giá 2023, có hiệu lực từ 1-7-2024. Luật Giá quy định có 5 biện pháp bình ổn. Trong đó có biện pháp thứ năm là sử dụng quỹ bình ổn đối với mặt hàng đã thành lập quỹ.
Tức là khi giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, các Bộ, ngành có liên quan đánh giá mức độ biến động giá, mức độ ảnh hưởng kinh tế - xã hội, phương án bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Sau khi có chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện. Quỹ này không dùng thường xuyên, biện pháp bình ổn là có thời hạn.
Về việc cơ quan nào sẽ quản lý quỹ này, bà Hiền cho hay: “Dự thảo đang quy định Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ bình ổn vào ngân sách nhà nước”.
Vấn đề giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu đã gây nên nhiều tranh cãi suốt thời gian qua. Phần đông các ý kiến của chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xăng dầu đều đề xuất bỏ quỹ vì không phát huy được vai trò bình ổn như mong muốn, ngược lại còn phát sinh ra nhiều tiêu cực, hệ luỵ.
Nhìn lại thực tế thời gian qua, kể từ khi thực hiện chu kỳ điều hành giá rút ngắn 7 ngày/lần theo Nghị định 80/2023, mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá xăng dầu trong nước cơ bản bám sát diễn biến giá thế giới, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn.
Và suốt từ đầu năm đến nay, hầu như cơ quan điều hành không động đến quỹ, không yêu cầu trích lập cũng không chi sử dụng quỹ, nhưng thị trường vẫn không có vấn đề gì.
Một doanh nghiệp xăng dầu nêu ý kiến: Với quy định như trong dự thảo hay chia sẻ của Vụ Thị trường trong nước thì tác động của quỹ cũng không khác gì bỏ. Bởi quỹ không được dùng thường xuyên. Khi có biến động tăng giá bất thường gây tác động lớn mới dùng quỹ, nhưng mức độ hiệu quả thế nào trong khi ngoài biện pháp bình ổn bằng quỹ bình ổn giá thì còn có các biện pháp bình ổn khác, ví dụ như sử dụng công cụ thuế, phí mà chúng ta đã sử dụng.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay là quỹ nằm ngoài ngân sách nhà nước. Tới đây khi chuyển vào ngân sách nhà nước thì có còn gọi là quỹ nữa không?” - doanh nghiệp này thắc mắc.
Theo quy định của Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá. Ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2023, số dư trên quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khoảng hơn 6.655 tỉ đồng.