Thực hư một số sữa bột nổi tiếng có chất gây ung thư

Sữa có chất gây ung thư

Ngày 17-8, Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông (Trung Quốc) công bố kết quả nghiên cứu về an toàn và chất lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trên trang thông tin điện tử của hội đồng.

Kết quả cho biết, đã phát hiện mười lăm mẫu sản phẩm dinh dưỡng công thức có chứa 3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD, loại hóa chất được cho là làm giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản của bé trai khi trưởng thành), chín mẫu có chứa glycidyl este (GE, được cho là chất gây ung thư).

Trong số các loại sản phẩm dinh dưỡng công thức kiểm nghiệm có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Abbott, Meiji, Wyeth, Mead Johnson...

Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông cho biết tất cả các mẫu sữa bột trên đều, trong đó có sữa Meiji không chứa chất gây ung thư vượt quá mức tiêu chuẩn. Ảnh: Hạ Quyên

Tuy nhiên, ngay tối cùng ngày, Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông đã lên tiếng giải thích trên trang mạng xã hội của mình rằng, dựa trên các giá trị tham chiếu của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì tất cả các mẫu sữa bột này đều không chứa chất gây ung thư vượt quá mức tiêu chuẩn, và người dân có thể yên tâm cho con sử dụng loại sữa bột được khuyến cáo dành cho trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, những thông tin trên đã khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam lo lắng bởi rất nhiều bà mẹ đang sử dụng các dòng sản phẩm trên cho trẻ nhỏ.

Cục An toàn thực phẩm nói gì về sữa có thành phần gây ung thư

Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế, đã liên lạc với đầu mối Hệ thống các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) của Hong Kong, để làm rõ vấn đề.

Theo đó, phía đơn vị này cho biết 3-MCPD và GE được tìm thấy trong 15 sản phẩm dinh dưỡng công thức là những chất sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm, hoặc có thể có trong một số thực phẩm. Hiện tại, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) và các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore và châu Âu (EU) chưa đưa ra tiêu chuẩn về 3-MCPD trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức.

Theo lượng ăn vào hàng tuần tạm thời chịu đựng được (PTWI) do Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) xây dựng đối với 3-MCPD, thì lượng 3-MCPD được phát hiện trong nghiên cứu của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đều thấp hơn PTWI khi sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn trên nhãn. Bên cạnh đó, theo VFA về quy định đối với GE, Codex, Mỹ, Canada, New Zealand và Singapore và Úc cũng không đặt ra tiêu chuẩn về GE trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức.

Riêng EU có quy định giới hạn tối đa đối với GE trong sản phẩm dinh dưỡng công thức và tất cả GE được phát hiện trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trong báo cáo của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đều đạt tiêu chuẩn của EU.

VFA thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có liên quan để cập nhật những thông tin mới nhất về các quy định đối với 3-MCPD và GE, và thông báo tới người tiêu dùng được biết để lựa chọn sản phẩm cho phù hợp.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phan Thế Đồng, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen, cho biết hiện tại chưa có khẳng định các chất 3-MCPD, GE gây ung thư cho con người. Theo đó, những nghiên cứu thử nghiệm trước đó chỉ dừng trên động vật cho thấy rủi ro gây suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản, nên khuyến cáo không nên sử dụng khi hàm lượng vượt mức cho phép.

 Hiện tại chưa có khẳng định các chất 3-MCPD, GE gây ung thư cho con người. Ảnh: Hạ Quyên

Ông cũng cho hay, thông thường các chất 3-MCPD, GE chỉ sinh ra khi trong thực phẩm có chất béo và axitclo, mà không sinh ra trong quá trình sản xuất sữa bột. Trong quá trình sản xuất sữa bột, người ta không sử dụng axitclo, vì vậy không sinh ra 3-MCPD. Đồng thời ở sản phẩm 100% sữa bột, hoàn toàn không có chất 3-MCPD nên cũng không có quy định về tiêu chuẩn 3-MCPD trong sữa bột. 

Với việc nghi nhiễm 3-MCPD, TS Đồng cho rằng, trong quá trình chế biến sữa bột, người ta thường cho thêm các vi chất, chất dinh dưỡng tạo thành sữa bột công thức và có sử dụng thêm các nguyên liệu, thành phần, dụng cụ, thiết bị nào đó có thể bị nhiễm chất 3-MCPD, dẫn đến sữa bột bị nhiễm chất này. Còn chất GE được sinh ra khi chất béo ở nhiệt độ cao, nhiều nhất là trong tinh luyện, chế biến dầu ăn, có thể trong sữa sử dụng chất béo nhưng không được kiểm soát ở nhiệt độ cao nên sinh ra GE. Vì vậy, Liên minh châu Âu có quy định giới hạn hàm lượng GE trong sữa bột.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo: “Người tiêu dùng không nên quá hoang mang. Cần chờ thêm thông tin từ phía các hãng sữa đã công nhận kết quả kiểm tra trên chưa và công bố, thu hồi lô sản phẩm nào, vì thường chỉ có một lô nhiễm, còn những lô khác phải tiếp tục được phân tích, kiểm nghiệm có nhiễm hay không”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới