Ngày 3-5, Nga cáo buộc Ukraine tiến hành tấn công bằng hai máy bay không người lái (UAV) nhắm vào điện Kremlin với mục đích ám sát Tổng thống Vladimir Putin. Các video từ hiện trường cho thấy UAV bị nhân viên an ninh Nga phát hiện và lực lượng phòng không của điện Kremlin nhanh chóng đánh chặn và vô hiệu hóa mối đe dọa. Truyền thông Nga tuyên bố vụ tấn công không gây ra bất kỳ thương tích hay thiệt hại vật chất nào. Hiện phía Ukraine vẫn tiếp tục phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan.
Vụ việc gây tranh cãi
Về phía giới chuyên gia, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nhiều điểm không hợp lý trong vụ tấn công bằng UAV Nói trên. Trả lời trang tin Insider, chuyên gia Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ) đặt câu hỏi tại sao hai UAV có thể áp sát điện Kremlin đến thế và tránh được gần như tất cả lớp phòng không xung quanh. Những hệ thống phòng thủ này, đặc biệt là đối với các mục tiêu quan trọng như điện Kremlin, chắc chắn đã được củng cố kể từ khi xung đột nổ ra.
Hôm 4-5, truyền thông Ukraine cho hay một UAV của quân đội nước này bị mất kiểm soát trên bầu trời thủ đô Kiev. Các lực lượng phòng không sau đó phải bắn hạ máy bay này. Vụ việc không gây thiệt hại về người và của.
Một số tổ chức như Viện nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) cũng nhận định tương tự, rằng rất bất hợp lý khi hai UAV đơn giản như vậy có thể vượt qua được hàng rào phòng không tinh vi của Nga. Chưa kể, tổ chức này còn cho rằng góc quay của các video quay lại cảnh UAV bị bắn hạ đều rất “rõ nét” với góc quay rộng và được đặt sẵn vào vị trí trước khi UAV xuất hiện.
Đài CNBC dẫn lời một số chuyên gia khác nói rằng một câu hỏi cũng được đặt ra là tại sao điện Kremlin lại đợi vài giờ sau khi vụ việc được cho là xảy ra mới công bố thông tin. Danh tính và động cơ của người quay video UAV bị bắn hạ cũng là vấn đề cần xem xét.
Lực lượng an ninh Nga tuần tra xung quanh điện Kremlin ngày 4-5. Ảnh: AFP |
Theo Insider, hiện có ba giả thuyết cho vụ việc. Giả thuyết thứ nhất là vụ việc thực sự do lực lượng Ukraine tiến hành để gửi thông điệp cảnh cáo tới giới chức Moscow và chứng minh khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, thẳng vào một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới.
Giả thuyết thứ hai là Nga tự dàn dựng vụ tấn công để có thể đưa thêm quân vào Ukraine hoặc trực tiếp phát động chiến dịch ám sát Tổng thống Volodymyr Zelensky. Giả thuyết thứ ba cho rằng vụ tấn công là do các lực lượng chống đối ông Putin trong nội bộ Nga tiến hành, tuy nhiên giả thuyết này không nhiều chuyên gia ủng hộ bởi thiếu bằng chứng.
Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng
Ngay sau vụ việc, điện Kremlin ra tuyên bố cáo buộc vụ tấn công là “hành động khủng bố đe dọa tính mạng của ông Putin”. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định Nga lúc này chỉ còn một lựa chọn là “loại bỏ” Tổng thống Zelensky và các cấp dưới của ông, theo hãng tin Reuters.
Đáp lại, Tổng thống Zelensky lên tiếng bác bỏ toàn bộ cáo buộc của Nga nhắm vào Ukraine. “Chúng tôi không tấn công ông Putin hay Moscow. Chúng tôi chỉ chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine” - ông Zelensky cho biết.
Trong khi đó, chính quyền một số TP lớn như Moscow, St. Petersburg, Leningrad và Pskov đã ban lệnh cấm bay đối với UAV. Bộ GTVT và Cơ quan Vận tải hàng không Nga cũng đang cân nhắc ra lệnh cấm tạm thời đối với việc sử dụng UAV do mối đe dọa ngày càng tăng của phương tiện này liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, theo hãng thông tấn TASS. Ủy ban Điều tra Nga đã chính thức mở điều tra hình sự về “hành động tấn công khủng bố liên quan âm mưu của chính phủ Ukraine nhằm sử dụng UAV tấn công dinh thự của Tổng thống Nga tại điện Kremlin”.
Các nhà phân tích lưu ý thời điểm của vụ tấn công, khi nó xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến thắng 9-5. Vấn đề này đã được điện Kremlin đề cập, đồng thời khẳng định “phía Nga có quyền thực hiện các biện pháp trả đũa ở bất cứ đâu và khi nào thấy phù hợp”. Điều này cho thấy Moscow có thể sẽ tận dụng vụ tấn công để chứng minh Ukraine là mối nguy hiểm mang tính sống còn đối với Nga, bởi ngày 9-5 là một ngày lễ rất quan trọng với người dân nước này.
“Tôi không quan tâm ai đã phóng những máy bay đó hay phóng từ đâu, điều tôi lo ngại là quan hệ Nga - Ukraine thời gian tới có thể sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Dư luận Nga chắc chắn sẽ muốn trả đũa Ukraine và xung đột sẽ khốc liệt hơn” - GS Sam Greene thuộc ĐH London (Anh) cho biết. Hiện đa số giới quan sát không cho rằng Nga sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân để tấn công Ukraine nhưng việc Nga gia tăng tần suất pháo kích và ném bom vào các vùng lãnh thổ Ukraine là chuyện nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Nga đổ trách nhiệm vụ tấn công sang Mỹ
Trong cuộc họp báo hôm 4-5, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các quyết định thực hiện những hành động như vụ tấn công UAV vừa qua “không được đưa ra ở Kiev”. “Trách nhiệm chính xác nằm ở Washington. Kiev chỉ đang làm những gì họ được chỉ đạo” - ông Peskov tuyên bố.
Ông Peskov khẳng định Mỹ chắc chắn có liên quan đến vụ tấn công nhắm vào điện Kremlin. “Những quyết định được đưa ra, việc xác định mục tiêu, xác định phương thức thực hiện, tất cả đều do Washington ra lệnh cho Kiev” - ông Peskov nhắc lại, theo hãng thông tấn TASS.
Đáp lại, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng Mỹ đã yêu cầu Ukraine thực hiện vụ tấn công. “Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng ông Peskov đang nói dối. Đó rõ ràng là một tuyên bố không có căn cứ. Chúng tôi thậm chí không biết chuyện gì đã xảy ra. Mỹ không ủng hộ các cuộc tấn công nhắm vào cá nhân các nhà lãnh đạo” - đài CNN dẫn lời ông Kirby khẳng định.