Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel, TP.HCM là vùng đất “màu mỡ” mà nhiều nhà đầu tư nhòm ngó với mức thu nhập, mức sống ngày càng cao.
TP.HCM đang chứng kiến hàng loạt các chuỗi cà phê mọc lên như nấm mỗi ngày và cũng đóng cửa không ít từ những tên tuổi nổi danh toàn cầu đến các chuỗi cà phê trong nước, khởi nghiệp…
Nhưng một điều đáng ngạc nhiên là tại TP.HCM, mức tiêu thụ trà gồm các sản phẩm uống liền và các sản phẩm pha chế tại quán tăng gần gấp đôi so với cà phê. Các loại thức uống từ trà có mức độ phổ biến hơn hẳn với hơn một nửa dân số sống tại TP.HCM có mua trong tháng 9 vừa qua. Trong khi đó, các loại cà phê chỉ tiếp cận được khoảng 1/3 dân số.
Đặc biệt tại một số chuỗi cà phê, cà phê chỉ chiếm nửa chi tiêu của thực khách, trong khi các loại đồ uống khác như trà, nước ép trái cây, nước giải khát lại chiếm nửa còn lại.
Số liệu ban đầu hiện tại TP.HCM cho thấy trong số các loại thức uống được ưa chuộng làm từ trà, trà sữa là lựa chọn được yêu thích nhất. Tính trong tháng 9-2018, trung bình cứ năm người sẽ có một người mua trà sữa ít nhất một lần. Trà đào và trà xanh Nhật Bản là hai trong số các loại thức uống được cư dân Sài Gòn yêu thích.
Thậm chí người dùng sẵn sàng chi mức giá cho trà sữa bình quân cao hơn 1,5-2 lần so với các loại thức uống làm từ trà khác.
Cà phê vẫn thu hút những tín đồ riêng của mình.
Mặt khác, dù Việt Nam là nước sản xuất cà phê đứng thứ hai trên thế giới nhưng cà phê lại không phổ biến đối với nhiều người Việt bằng các loại thức uống từ trà. Tuy vậy, cà phê lại thu hút một lượng khách hàng riêng biệt, là những “tín đồ” uống cà phê thường xuyên.
Cà phê đen và cà phê sữa là lựa chọn phổ biến của người dùng nhất. Tuy nhiên, cappuccino, mocha và đá xay đến từ phương Tây đang chiếm khoảng 1/4 doanh số phân khúc cà phê.
Do đó, doanh nghiệp cần “để mắt” đến trong thời gian tới để xem sự ảnh hưởng của những hương vị mới này đến cà phê truyền thống khi mà số lượng chuỗi cà phê hiện đại ngày càng tăng lên.
Đến năm 2021, TP.HCM sẽ đứng thứ hai trong top 20 thành phố có tốc độ phát triển hàng đầu châu Á, chỉ sau Delhi (Ấn Độ) theo Oxford Economics. Điều này hứa hẹn những cơ hội lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sôi nổi với nhu cầu tiêu dùng cao. Những nhà đầu tư, chuỗi với tâm thế kinh doanh “bị động” hôm nay có thể thua trong cuộc chiến ngày mai nếu họ không theo kịp xu hướng thị trường. Và những nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt về chất lượng, khẩu vị cũng như trải nghiệm theo hướng ngày một cao cấp hơn. |