Bão ảnh hưởng trầm trọng đến sức mua sữa, nước uống

Theo báo cáo mới nhất về thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) của Công ty  Nghiên cứu thị trường Nielsen trong quý 4-2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG chỉ còn 0,5%, giảm mạnh so với quý III là 6,4%, chủ yếu là ở thị trường nông thôn.

Nielsen cho biết khi xem xét kỹ ở các nhóm ngành hàng lớn gồm nước uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá cho thấy sự sụt giảm diễn ra ở tất cả ngành hàng lớn.

Tuy nhiên, ngành hàng đồ uống vẫn cho thấy mức tăng trưởng tốt hơn các ngành hàng khác khi đạt mức tăng 3,2%. Các ngành hàng khác đều giảm mạnh từ ngành hàng chăm sóc cá nhân, vệ sinh nhà cửa, thực phẩm và sữa đến các sản phẩm từ sữa.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao bộ phận Dịch vụ đo lường Bán lẻ Nielsen Việt Nam, giải thích: Mức tăng trưởng của thị trường FMCG  đã được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong quý cuối của năm 2017 khi mùa Tết diễn ra vào tháng 2-2018, đây là lúc người Việt mua sắm để chuẩn bị cho mùa Tết bên gia đình.

Tuy nhiên, các cơn bão lớn xảy đến liên tiếp vào cuối năm gây ra nhiều thiệt hại. Điều này gây ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng của thị trường FMCG trong quý IV-2017, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Tăng trưởng FMCG ở thành thị trong quý IV hầu như không đổi.

Theo ông Dũng, một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến sự sụt giảm thị trường FMCG chính là mùa Tết năm nay đến trễ hơn so với mọi năm, vào giữa tháng 2-2018, trong khi mùa Tết năm ngoái diễn ra vào đầu tháng 1-2017.

Để chuẩn bị Tết, doanh nghiệp trữ hàng từ tháng 8, tháng 9. Đến tháng 10, tháng 11 đẩy hàng ra thị trường và người tiêu dùng mua sắm từ tháng 11, tháng 12; phần lớn doanh thu sẽ ghi nhận ở quý IV. Tuy nhiên, năm 2018 Tết đến muộn thì doanh thu mùa Tết sẽ được ghi nhận vào quý I-2018.

Nhìn chung năm 2017, ở kênh thương mại truyền thống có tốc độ tăng trưởng FMCG 5,4%, tăng hơn so với năm 2016 (4,9%).

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy trong quý IV-2017, tăng trưởng FMCG ở khu vực thành thị chỉ ở mức 0,6%, giảm so với quý III (4,9%). Tại khu vực nông thôn tăng trưởng -0,5%, trong khi quý III tăng trưởng 7,6%.

Trong năm 2017, tăng trưởng FMCG ở khu vực nông thôn là 6,1%, giảm so với năm 2016 (4,9%), trong khi đó thành thị hầu như không thay đổi so với năm 2016 là 4%.

Theo quan sát của Nielsen tại các thị trường tương tự với Việt Nam như Ấn Độ và Trung Quốc, việc ưu tiên mở rộng ra các khu vực nông thôn trở nên rất quan trọng đối với các nhà sản xuất. Thật sự là một số khu vực nông thôn thể hiện nhiều triển vọng hơn các khu vực khác. Do đó, việc xác định các khu vực nông thôn tiềm năng là điều rất quan trọng để tối đa hóa nguồn lực đầu tư.

“Để thành công ở khu vực nông thôn, các nhà sản xuất cần phải có những hiểu biết về người tiêu dùng tại khu vực này. Theo nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng ở nông thôn ngày nay đòi hỏi những trải nghiệm cao cấp hơn và họ cũng dần làm quen với cuộc sống mang hơi thở của thành thị nhờ vào sự phát triển và phổ biến của công nghệ và cơ sở hạ tầng” - ông Dũng cho hay.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm