Sau các bài viết “Vì sao băng nhóm được “trọng dụng”? và “Rộ nạn băng nhóm “xử” thay tòa, chính quyền!” (đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 12 và 13-6 - ảnh) phản ánh thực tế các băng nhóm giang hồ đang được người dân sử dụng, nhiều bạn đọc đã gửi bình luận, kể về hoàn cảnh của mình. Nghịch lý là đa số cho rằng nhờ đến giang hồ tuy bất đắc dĩ nhưng họ vẫn làm.
Độc giả Minh Trưng kể: “Tòa xử bị đơn phải trả nợ cho tôi 60 triệu đồng, đưa qua thi hành án một thời gian. Bên này nói chừng nào tôi chứng minh được bị đơn có tiền thì báo với họ. Biết là thi hành án làm đúng luật đó nhưng làm sao tôi có thể biết được bên bị đơn khi nào thì có tiền?”.
Thực trạng cơ quan công quyền xử lý chậm, thậm chí bỏ quên trong vài vụ khiến người dân sốt ruột và tự tìm cách khác. Như bạn đọc Thái Thuận nhận định: “Nếu kiện từ khi thụ lý đến lúc có án, thi hành án mất mấy năm. Vì vậy, dù biết vi phạm pháp luật chủ nợ vẫn phải nhờ xã hội đen”.
Bất công là “người tin vào luật pháp dù làm đúng nhưng theo trình tự có khi kéo quá dài hoặc có thắng cũng không làm gì được” - bạn Long Pham nói. Chung quy cũng vì “thực thi pháp luật của ta không nghiêm khiến người dân mất niềm tin, phải tìm đến cách thức khác trong đó có chuyện thuê băng nhóm”. Bình luận này của bạn Tân Thông Xã nhận được nhiều đồng tình, trong đó có cả người làm trong ngành thực thi pháp luật.
Độc giả Anh Bay phân tích băng nhóm có đất sống vì luật còn lỗ hổng, đơn cử “tạt sơn, mắm tôm chỉ phạt hành chính”, còn “hành hung đến khi công an tới thì đã giải tán”.
Vì được việc nên “bảo kê, băng nhóm càng ngày càng lộng hành.” Rõ ràng, “vấn đề đã hết sức nghiêm trọng... cái cần coi lại là cách thực thi pháp luật của ta”.
Bạn Ngọc Hà đưa ra hướng giải quyết: “Tập trung làm cho thủ tục đơn giản, tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và sâu sát” của cơ quan công quyền. Người dân khi thấy việc của họ được quan tâm, giải quyết thì chắc chắn sẽ chọn cách an toàn trong vòng pháp luật, giao phó cho lực lượng chức năng. Đối phương thấy có công an giải quyết triệt để thì cũng sẽ có thái độ khác.
Tuy nhiên, bạn đọc Hiếu Nguyễn cho rằng người dân không nên vì nóng lòng mà đi mướn các băng nhóm giang hồ để giải quyết chuyện cá nhân, bởi việc này rất dễ đưa chính họ vào vòng lao lý. “Đừng dại chơi dao có ngày đứt tay! Một người bạn của tôi từng thuê giang hồ đòi nợ, họ đã đi quá giới hạn so với thỏa thuận khiến con nợ bị mất mạng, kết quả là cùng kéo nhau vào tù. Hãy gõ hết tất cả cánh cửa pháp luật để dùng luật pháp bảo vệ mình, đừng vì một chuyện không hay mà phải trả giá cả đời!” - bạn Hiếu Nguyễn cảnh báo.
Một lời cảnh báo không thừa cho những ai đang có ý định thuê giang hồ để giải quyết việc cá nhân. Tình trạng trên cũng đặt ra kỳ vọng cho các cơ quan công quyền cần giải quyết nhanh chóng, thấu đáo những bức xúc, mâu thuẫn trong dân.
“Vì băng nhóm dễ sai khiến, chỉ cần có tiền là được” - Dung Quang. “Chính quyền không xử dứt điểm nên người ta phải thuê ai làm được việc” - Minh Trưng. “Công an không dở đâu. Vấn đề là tại sao trước đây làm được mà bây giờ làm không được?” - TiTi. |