Trong các số báo trước, chúng tôi phản ánh thực trạng các băng nhóm đang được “trọng dụng” trong các vụ giải quyết tranh chấp, nợ nần.
Theo TS Đoàn Văn Báu,chuyên gia tâm lý tội phạm Trường ĐH An ninh nhân dân, các địa phương khó dẹp hết tình trạng trên dù công an đã và đang đánh mạnh vào các tổ chức, băng nhóm tội phạm.
Thực thi pháp luật không nghiêm
. Phóng viên: Thời gian qua, ngành công an tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhận diện băng nhóm và cách phòng ngừa, ngăn chặn. Sau đó Bộ Công an và các địa phương có những kế hoạch đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm, tuy nhiên chúng vẫn lộng hành. Có phải lực lượng chức năng chùn tay hay còn lý do nào khác, thưa tiến sĩ?
+ TS Đoàn Văn Báu: Hiện công an vẫn đang tập trung đấu tranh mạnh vào tổ chức, băng nhóm tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tính chất xã hội đen. Thế nhưng vì rất nhiều nguyên nhân mà loại tội phạm này vẫn tồn tại.
Thực trạng này có ở nhiều địa phương do những hạn chế trong công tác quản lý, công tác đấu tranh và những nguyên nhân khác.
. Gần đây rộ lên chuyện thuê băng nhóm giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà không nhờ luật pháp, chính quyền. Phải chăng người dân không tin vào chính quyền, công an?
+ Thực tế có những vụ băng nhóm và băng nhóm hoạt động như xã hội đen nhúng tay vào các vụ đòi nợ, tấn công người dân. Trong khi chủ trương của ngành công an là đấu tranh mạnh tội phạm băng nhóm nhưng hạn chế về lực lượng, phương tiện và những nguyên nhân xã hội khác làm ảnh hưởng đến vấn đề này.
Người dân nhờ băng nhóm giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp… có nguyên nhân sâu xa là niềm tin của người dân vào hệ thống chính quyền có vấn đề.
Ví dụ chuyện vay mượn, nợ nần, nếu họ thông qua chính quyền, tòa án thì việc giải quyết rất chậm, nhiều khi không hiệu quả, trong khi thuê băng nhóm có vẻ nhanh, gọn hơn.
Chẳng hạn, việc giải quyết một vụ dân sự thường kéo dài lê thê. Khi đã có quyết định thi hành án nhưng một bên chây ỳ thì bản án cũng khó thi hành.
Có thể nói thực thi pháp luật của ta không nghiêm dẫn đến tình trạng người dân mất niềm tin. Khi người dân mất niềm tin thì họ sẽ tìm đến cách thức khác, trong đó có chuyện thuê băng nhóm xã hội đen.
Nhiều thanh niên xăm mình, đầu cạo trọc đi đòi nợ thuê ở quận 3, TP.HCM gây náo loạn khu vực. Ảnh: NT
Nhóm người cầm hung khí xông vào quán cà phê ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đập phá. (Ảnh cắt từ camera an ninh)
Hạn chế băng nhóm chứ khó dẹp bỏ
. Điều này gây tâm lý bất an, tác động tiêu cực đến xã hội như thế nào, thưa ông?
+ Đúng, để kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực.
Thứ nhất là gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến những người có liên quan. Thứ hai, quan trọng nhất là làm mất niềm tin của người dân vào cơ quan công an, vào hệ thống chính quyền cơ sở và dẫn đến tình trạng là người dân tin vào những băng nhóm này hơn là tin vào chính quyền. Đó là hậu quả nặng nề nhất.
Việc phát triển của các băng nhóm tội phạm xã hội đen rất nguy hiểm cho xã hội. Chúng nhúng tay vào những tranh chấp, xâm hại đến tính mạng, tài sản và gây ra mất an ninh trật tự ở địa phương và như tôi nói, gây hậu quả nặng nề, nhất là dân mất lòng tin vào hệ thống chính quyền.
Để xảy ra tình trạng này là do công tác quản lý, nắm tình hình các băng nhóm tội phạm và chủ động phòng ngừa, đấu tranh để xóa bỏ băng nhóm còn hạn chế. Cũng có thực trạng là người dân, công an nắm được các băng nhóm nhưng bọn chúng hoạt động tinh vi, xảo quyệt nên chính quyền khó xử lý hoặc không xử lý được.
Kế đến là ý thức của người dân. Người dân chưa nhận thức rõ về pháp luật, chưa có những kỹ năng để phòng, chống loại tội phạm này. Khi họ gặp sự cố, bị xâm hại tài sản, sức khỏe, bị khủng bố tinh thần, không biết cách xử lý dẫn tới là loại tội phạm này càng nhiều.
. Đang giảng dạy và nghiên cứu về tội phạm, theo tiến sĩ, giải pháp nào để hạn chế, tiến tới dẹp bỏ tội phạm băng nhóm, tội phạm hoạt động kiểu xã hội đen?
+ Có rất nhiều giải pháp, tùy từng trường hợp sẽ áp dụng các giải pháp khác nhau. Giải pháp căn cơ là lực lượng công an phải làm tốt công tác nắm tình hình về các băng nhóm và thực hiện những biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này triệt để. Chẳng hạn như phải nắm được trên địa bàn có bao nhiêu băng nhóm hoạt động, băng nhóm này tổ chức như thế nào, đối tượng nào cầm đầu, hoạt động trên lĩnh vực nào. Từ đó có những biện pháp để đấu tranh phù hợp, chế tài nghiêm minh.
Song song với đó là tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật và ý thức phòng, chống loại tội phạm này cho người dân.
Chỉ khi kết hợp được hai giải pháp này, chúng ta mới có thể hạn chế sự phát triển của các băng nhóm. Xu hướng kết hợp, hình thành băng nhóm hiện nay rất nhanh và rất linh hoạt nên chúng ta chỉ hạn chế chứ khó dẹp bỏ triệt để được.
. Xin cám ơn ông.
Mất niềm tin vào cơ quan chức năng Thiếu tá Trần Ngọc Đoàn, Đội trưởng Đội Điều tra tội phạm về TTXH (Công an quận Bình Thạnh), cho rằng người dân thuê băng nhóm hoặc tự mình giải quyết chuyện của họ có nhiều nguyên do, trong đó có trường hợp người dân mất niềm tin vào cơ quan chức năng vì họ từng nhờ mà không được giải quyết. Trong vụ đập phá dãy phòng trọ ở đường Trục, phường 13 vừa qua, những người đập phá đều khai là họ đi đập phá phần đất đang bị lấn chiếm. Trước đó họ đã từng làm đơn kiến nghị tập thể lên chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết, bức xúc kéo dài, họ kéo đến để đập phá. Các băng nhóm hoạt động chủ yếu là cho vay nặng lãi; bảo kê nhà hàng, khách sạn, quán bar; đòi nợ thuê; thậm chí đâm thuê chém mướn. Tại quận Bình Thạnh, các băng nhóm chủ yếu cho vay nặng lãi. Trước đây các băng nhóm này manh động, giờ chủ yếu đe dọa, tạt sơn, mắm tôm và đây là cách của các đối tượng hình sự phía Bắc. LÊ THOA |
NGƯỜI TRONG CUỘC LÊN TIẾNG Cực chẳng đã mới dây vào băng nhóm “Tôi nộp đơn cho công an đã hơn một năm nhưng chưa có kết quả. Công an nói không đủ cơ sở để khởi tố, chỉ có thể kiện ra tòa. Bạn bè tôi ở tòa, VKS và tôi cũng từng đi kiện nên biết, thắng kiện mà nó bảo không có tiền, làm gì được nó? Tôi sẽ thuê giang hồ đòi nợ” - anh H. mở đầu câu chuyện. Theo anh H., cuối năm 2015, trong quá trình hùn vốn làm ăn, anh bị một người lừa 4,1 tỉ đồng. Sau nhiều lần chuyển tiền, anh phát hiện có vấn dề nên yêu cầu hoàn trả nhưng người này trì hoãn rồi lánh mặt luôn. Trình báo và làm việc với công an không biết bao nhiêu lần nhưng không giải quyết được, con nợ thì nhơn nhơn thách thức. “Công an nói chứng cứ yếu, không thể xử lý hình sự. Qua người quen, tôi quyết định thuê giang hồ đòi nợ theo tỉ lệ 50-50. Nhà nó ở tận Tây Ninh, tôi ở Hà Nội, đi kiện rất mất thời gian mà khi thắng kiện, tòa cũng chỉ thi hành án với tài sản đứng tên nó, đến khi nào tôi mới lấy được tiền?” - anh nói và cho hay: “Cực chẳng đã tôi mới thuê giang hồ, họ có cách buộc nó trả tiền, tôi không quan tâm”. Anh H. (quê Hà Nội) Băng nhóm còn đất sống! “Mắm tôm, sơn, chất bẩn là chỉ vỗ nhẹ. Đã nhận thì phải biết “cơ” của con nợ, xem còn “tóc mà túm không”. Làm nhẹ thì nó lỳ ra, quá tay phát thì mình chịu tội” - một chị chuyên móc nối tạo “việc làm” cho băng nhóm cho biết. “Có đủ lý do để nhờ băng nhóm giải quyết như bạn bè vay mượn, hùn góp nhau rồi quỵt nợ nhưng giấy tờ vay mượn không có; giả danh người nọ, người kia lừa chạy án rồi ôm tiền trốn mất. Có trường hợp vay mượn có chứng từ, kiện chắc chắn thắng nhưng án dân sự xứ ta nổi tiếng rề rà. Nó tẩu tán tài sản, trơ ra không thi hành án cũng chịu. Rồi hàng trăm thứ tiền, mất thời gian để đi đòi, kiện tụng… nên họ thuê giang hồ” - chị nói. ““Dịch vụ đen” nên “phí” hơi cao, ca khó thường là 50-50, cực khó thì 60-40. Với những trường hợp con nợ có nghề nghiệp, tài sản thì 30-70” - chị cho hay. “Không phải tự nhiên mà dịch vụ đòi nợ thuê, băng nhóm giang hồ đi đòi nợ có đất sống. Người cần tiền đến ngân hàng có khi cả tháng mới nộp đủ các giấy tờ chứng minh khả năng trả nợ. Trong khi tín dụng đen chỉ cần chìa cái chứng minh thư là họ giao tiền. Không có giang hồ đòi nợ, làm sao thu hồi?” - chị nói. Chị S. (quê Nghệ An, người quan hệ rộng N.TRÀ ghi |