Với vai trò là người nhiều lần trực tiếp tham gia tư vấn các vụ kiện chống bán phá giá cho Việt Nam, luật sư Ngô Quang Thụy cho biết: Trên thực tế, các nhà nhập khẩu Mỹ thường không muốn đứng tên hồ sơ với vai trò doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nên nhiều DN xuất khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam phải đứng luôn tên là nhà nhập khẩu. Cụ thể, DN Việt Nam phải thành lập DN ở Mỹ để nhập hàng hoặc DN thiết lập chính bản thân họ là nhà nhập khẩu “không thường trú” rồi bán lại cho DN Mỹ. Do đó, trong các vụ bị kiện chống bán phá giá cá tra, ba sa và nhiều mặt hàng khác, thường thì DN chi nhánh ở Mỹ hoặc DN mẹ ở Việt Nam phải chịu thanh toán tiền thuế bị phạt.
Ở kèo dưới do tự hại nhau
Xác nhận tình trạng trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết DN nhập khẩu Mỹ thường không chịu ký hợp đồng xuất theo hình thức CIF, nghĩa là bên bán hàng thanh toán cước phí vận chuyển, phí bảo hiểm cho bên mua. Lý do họ đưa ra là cá tra và một số mặt hàng khác của Việt Nam có nhiều rủi ro bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nên chỉ muốn ký hợp đồng nhập khẩu DDP. Với loại hợp đồng này, bên bán hàng phải thanh toán mọi cước phí vận chuyển, phải nộp tất cả các thứ thuế (nếu có) như thuế nhập khẩu, thuế bán phá giá… trước khi hàng được giao.
vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao DN xuất khẩu Việt Nam không thể thỏa thuận chuyển sang hợp đồng CIF mà cứ chấp nhận DDP? Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Cafatex, nói: “DN Việt Nam nằm kèo dưới so với DN nhập khẩu Mỹ trong các thương vụ này cũng chính vì cái kiểu tranh mua tranh bán mỗi người một giá, dẫn đến tự hại nhau. Các nhà nhập khẩu đã lợi dụng tình thế đó để bắt các DN xuất khẩu phải theo ý muốn của họ và họ tránh được rủi ro. Một DN Việt đồng ý ký DDP thì những DN Việt khác muốn bán được hàng cũng phải ký DDP thôi!”.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một công ty ở Tiền Giang. Ảnh: QUANG HUY
Hơn nữa, theo ông Hòe, mức thuế chống bán phá giá khởi điểm của một DN mới xuất khẩu cá tra vào Mỹ luôn ở mức cao, chiếm 30%-60% giá thành. Vì vậy, không DN nhập khẩu Mỹ nào chấp nhận ký CIF để phải chịu mức thuế đó.
Phải biết cân đối thị trường
Với gần 40 năm gắn bó với con cá tra, ông Ngô Phước Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ rõ hiện nay đa phần DN xuất khẩu cá tra Việt Nam đều có một DN tại Mỹ làm nhiệm vụ nhập chính hàng của mình, sau đó bán cho nhà nhập khẩu Mỹ. Mà nguyên do dẫn đến tình hình này chính là sự mất cân đối cung cầu. Nguồn cung cá tra quá nhiều, vượt quá nhu cầu, khi đó người mua có quyền áp đặt yêu cầu bất lợi cho người bán nhưng có lợi cho họ, biểu hiện ở đây là sự áp đặt hình thức giao dịch.
Vì vậy, việc cần làm là giải được bài toán cung cầu. Thế nhưng điều đáng buồn là đành phải… “bó tay” với hiện tại.
“Không chỉ ngành cá tra mà các ngành xuất khẩu khác cũng vậy thôi. Hiệp hội lẫn bộ, ngành liên quan năm nào cũng phấn đấu kế hoạch sản xuất xuất khẩu năm nay cao hơn năm trước, vỗ tay mà không biết nghĩ đầu ra cho sản phẩm. DN, nông dân thì ra sức sản xuất, xuất khẩu, nguồn cung tăng vọt và hậu quả vượt quá nhu cầu, giá bán giảm, bán không được, bị ép giá là tất nhiên rồi. Phải nghiên cứu nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược vùng nguyên liệu hợp lý mới đúng nhưng điều này cần thêm thời gian” - ông Hậu chia sẻ.
Chuyện tập hợp sự đồng lòng của DN để cùng tạo sức ép DN nhập khẩu Mỹ ký hợp đồng CIF, theo ông Hòe (VASEP) là không thể làm được. Bởi chuyện đơn giản nhất là thống nhất giá sàn xuất khẩu còn chưa được nữa là… huống chi DN cứ muốn ai lo thân nấy.
Là một trong số ít DN không phải ký hợp đồng DDP khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ, thay vào đó là CIF, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi đa dạng hóa khách hàng lẫn thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường nào. Nguyên tắc xuất khẩu 3-3-3-1 luôn được áp dụng, nghĩa là 30% châu Âu (EU), 30% Mỹ, 30% châu Á và Úc, 10% các nước khu vực, trong nước. Phải biết cách cân đối và hoán đổi thị trường khi có rủi ro như khi gặp khó tại Mỹ dẫn đến lỗ thì vẫn có thị trường khác bù lại kịp thời. Đối với hoàn cảnh hiện nay, theo tôi các DN xuất khẩu phải tư duy chuỗi, trở thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng của nhà nhập khẩu. Khi đó lợi nhuận có thể giảm nhưng an toàn và bền vững”.
QUANG HUY