Anh tôi có mở dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái, vừa qua một người quen đã thuê xe tự lái rồi mang đi cầm cố, gia đình tôi phát hiện và yêu cầu chuộc lại nhưng người này đến nay vẫn chưa thực hiện.
Xin hỏi, hành vi thuê xe ô tô tự lái mang đi cầm cố sẽ bị xử lý thế nào?
Bạn đọc Khải Dương (TP.HCM)
Luật sư Phạm Văn Lạc, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng cho thuê xe ô tô tự lái cũng được quy định bởi Bộ luật dân sự 2015 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các bên tham gia hợp đồng có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận của các bên mà không trái với quy định của pháp luật.
Trường hợp một bên tham gia hợp đồng cho thuê xe ô tô tự lái có hành vi vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng dẫn đến xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại thì bên còn lại có quyền khởi kiện ra tòa dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Mặt khác, hành vi thuê xe ô tô rồi mang đi cầm cố là hành vi chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định của pháp luật, có dấu hiệu của tội danh lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, theo Điều 175 BLHS Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định, khi vay mượn hay thuê tài sản, nhận tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và sử dụng tài sản đó vào những mục đích bất hợp pháp, không có khả năng trả lại tài sản thì mang tội danh chiếm đoạt tài sản.
Do đó, đối tượng khi thuê xe ô tô của chủ xe rồi đem đi cầm khi chưa được sự đồng ý hay ủy quyền hợp pháp của chủ xe thì sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo mức độ nặng nhẹ của vi phạm, số tiền, giá trị của tài sản lừa đảo.
Khung hình phạt cao nhất đối với Tội này có thể bị phạt lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.