Tân Hoa Xã mới đây cho biết lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc (TQ) hôm 16-11 đã có cuộc điện đàm tốt đẹp về vấn đề thương mại. Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin được xác nhận đã tham gia vào cuộc điện đàm này. Hai bên đã bàn bạc nhiều vấn đề chủ đạo cho việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, đồng thời cam kết sẽ giữ vững liên lạc.
Một ngày trước đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow tiết lộ thỏa thuận thương mại một phần giữa Mỹ và TQ có thể sẽ được ký kết ở cấp bộ trưởng và khẳng định tiến trình đàm phán giữa hai bên “đã gần hoàn tất”.
Một cuộc chiến hai bên cùng thất bại
Trả lời phỏng vấn của đài Fox News ngày 14-11, phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết Mỹ “rất, rất lạc quan” về khả năng sớm đạt thỏa thuận thương mại với TQ. Về phía TQ, nước này cũng khẳng định hai bên đã nhất trí không đánh thuế theo giai đoạn nhưng không đưa ra một lịch trình chi tiết. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Cao Phong cho biết gỡ bỏ thuế là điều kiện quan trọng và hai bên phải cùng lúc hủy bỏ một số loại thuế để đạt thỏa thuận giai đoạn đầu.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết và không nên đặt quá nhiều hy vọng vào thỏa thuận sắp tới. Nhiều cố vấn cả trong và ngoài Nhà Trắng cũng từng lên tiếng phản đối việc ông Trump sẽ gỡ thuế cho TQ, cho rằng Mỹ sẽ từ bỏ một trong những lợi thế hàng đầu gây sức ép cho Bắc Kinh.
Cố vấn của Tổng thống Donald Trump về TQ Michael Pillsbury nhận định: “Không có một thỏa thuận chi tiết nào về một sự giảm thuế theo giai đoạn. Phía Mỹ vẫn rất mơ hồ về thời điểm và các loại thuế được gỡ bỏ. TQ thì đang mơ mộng và cố gắng xoa dịu những thành phần bảo thủ trong nước rằng một ngày nào đó thuế sẽ được gỡ bỏ”.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng cuộc chiến thuế quan và thương mại giữa TQ và Mỹ đã lâm vào tình trạng “cùng thua” đối với cả hai nước, làm ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới và tình hình có chiều hướng diễn biến xấu hơn.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 11-2017. Ảnh: AP
Theo số liệu sáu tháng đầu năm 2019 của Hội nghị về thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) cho thấy hầu hết người tiêu dùng và công ty Mỹ gánh chịu tổn thất của các đòn thuế quan cao hơn mà Mỹ đánh vào hàng hóa TQ. Ngược lại, những đòn thuế quan mà Mỹ áp dụng có hiệu lực từ năm 2018 đã khiến TQ thiệt hại 35 tỉ USD.
Trong nửa đầu năm 2019, các công ty của TQ đã phải chứng kiến lượng xuất khẩu các mặt hàng bị áp loại thuế nói trên sụt giảm 25% so với lượng xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, các đối thủ xuất khẩu cạnh tranh của TQ lại vươn lên chiếm lấy thị phần xuất khẩu bị suy giảm của Bắc Kinh.
Dù báo cáo của UNCTAD không tính toán tác động của thuế quan TQ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhưng hoạt động xuất khẩu của Mỹ “phần lớn” chịu hậu quả tương tự: Giá hàng hóa cao hơn cho người tiêu dùng, tổn thất cho doanh nghiệp Mỹ và lợi nhuận thương mại đổ về các nước khác.
Mỹ và phương Tây nên chuẩn bị để xác định vai trò thích hợp của TQ trong trật tự hậu thương chiến. Tuy nhiên, họ cũng phải hết sức thận trọng trước nguy cơ Bắc Kinh sẽ nỗ lực áp đặt ý định và tầm nhìn của họ lên trật tự mới này. TS TQ học JOSS WILLIAM, ĐH Harvard (Mỹ) |
Sự hình thành của một trật tự mới?
Trước những hậu quả lâu dài của thương chiến Mỹ-Trung mà chắc chắn thế giới vẫn phải tập trung khắc phục ngay cả khi thỏa thuận đình chiến được thông qua, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Phải chăng trật tự hợp tác kinh tế toàn cầu sắp kết thúc?
TS kinh tế James M. Dorsey nhận định với việc là cường quốc thiết lập và lãnh đạo trật tự này, Mỹ hiện đang nắm trong tay sức ảnh hưởng quá lớn. Bên cạnh đó, dù cả Mỹ và các nước phương Tây đều phát triển và ủng hộ các giá trị tự do mạnh mẽ nhưng điều đó không có nghĩa là có thể cứng nhắc áp dụng mô hình quản trị phương Tây cho tất cả quốc gia có hoàn cảnh riêng biệt.
“Rất ít quốc gia đang phát triển đạt đến mức mà họ có thể được coi là một quốc gia phát triển từ khi Thế chiến II kết thúc. Bất chấp những nỗ lực to lớn từ phương Tây để thúc đẩy sự phát triển và quản trị tốt, trật tự này đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu của các quốc gia đang phát triển” - hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Dorsey giải thích.
Một điểm yếu khác của trật tự kinh tế do Mỹ lãnh đạo nằm ở việc quá chú trọng đến hiệu quả cạnh tranh mà không thúc đẩy bình đẳng giữa các nước. “Đúng là thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc giải phóng thương mại và đầu tư xuyên biên giới, do đó mở đường cho một mức độ thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử văn minh nhân loại. Tuy nhiên, các thị trường mở dù mang lại hiệu quả cũng tạo ra bất bình đẳng lớn hơn” - TS James M. Dorsey nói.
“Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường là điểm ngoặt nguy hiểm đối với trật tự thế giới này vốn đã suy yếu do sự trỗi dậy của TQ. Đây rõ ràng không phải là cuộc chiến “dễ dàng” như ông Trump từng tuyên bố hồi năm 2018. Sau thương chiến, Trung Quốc có thể sẽ đứng ra trực tiếp cạnh tranh với trật tự phương Tây và thay đổi hoàn toàn diện mạo thương mại thế giới” - TS kinh tế James M. Dorsey kết luận, đồng thời cảnh báo Mỹ và các đồng minh cần khắc phục những hạn chế trên trước khi Bắc Kinh “đủ lực”.
Hong Kong lần đầu xác nhận suy thoái kinh tế sau 10 năm tăng trưởng Hãng tin Reuters ngày 17-11 dẫn thông báo của chính quyền Hong Kong lần đầu tiên xác nhận nền kinh tế đặc khu đang rơi vào tình trạng suy thoái do ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình gần đây và tác động từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Hong Kong đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm xuống mức 1,3% so với ước tính trước đó là 0%-1%, đánh dấu sự suy thoái kinh tế đầu tiên của đặc khu này kể từ năm 2009. Các chuyên gia cảnh báo nếu không được giải quyết sớm, trung tâm tài chính và thương mại Hong Kong có khả năng sẽ chìm vào sự suy thoái lâu dài và sâu sắc hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. |