Ngày 17-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về chuyện nước này trì hoãn trong việc thống nhất thỏa thuận thương mại với Mỹ, chấm dứt cuộc thương chiến đã kéo dài hơn một năm qua giữa hai nước, theo hãng tin Reuters.
Trao đổi với một nhóm nhà báo khi đang ngồi trên chiếc Không lực Một đi từ bang New Mexico sang bang California (Mỹ), ông Trump nêu ra hai khả năng về việc thống nhất thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Một là Mỹ có thể sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước khi diễn ra kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, hai là sẽ đạt được một ngày sau khi kết thúc bầu cử.
Sau bầu cử Mỹ, các điều khoản sẽ rất tệ với Trung Quốc
Ông Trump cho rằng phía Trung Quốc nghĩ khả năng lớn ông sẽ lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây, nhưng Trung Quốc vẫn hy vọng có thể ông sẽ thua và mình sẽ ký được thỏa thuận thương mại với một tổng thống Mỹ khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống chiếc Không lực Một đậu tại sân bay hỗn hợp dân sự-quân sự Moffett Federal ở TP Mountain View, hạt Santa County, bang California (Mỹ) ngày 17-9. Ảnh: REUTERS
Ông Trump cho biết ông đã cảnh báo phía Trung Quốc rằng nếu nước này đợi tới sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3-11-2020 mới chịu ký thỏa thuận thương mại thì các điều khoản sẽ “tệ hơn nhiều” so với các điều khoản Trung Quốc có thể có được lúc này.
“Tôi nghĩ có thể sẽ sớm có một thỏa thuận, có thể trước bầu cử, hoặc một ngày sau bầu cử. Và nếu là sau bầu cử thì đó sẽ là một thỏa thuận mà quý vị chưa bao giờ thấy, đó sẽ là một thỏa thuận ấn tượng nhất trước nay và Trung Quốc biết điều này”, ông Trump nói với các nhà báo cùng đi trên chiếc Không lực Một.
“Họ nghĩ tôi sẽ thắng. Trung Quốc nghĩ tôi sẽ thắng dễ dàng và họ lo ngại vì tôi đã nói với họ: Nếu là sau bầu cử thì thỏa thuận sẽ tệ hơn nhiều cái thống nhất lúc này. Tôi đã nói với họ. Liệu họ có muốn nhìn thấy ai đó khác thắng? Dĩ nhiên là thế rồi”, ông Trump nói thêm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 17-9 dù cho rằng ông Trump đã đúng khi thách thức các hành động thương mại của Trung Quốc nhưng lại chỉ trích cách tiếp cận của ông mở cửa cho Trung Quốc làm tổn thương nông dân và người tiêu dùng Mỹ.
“Tôi nghĩ chúng ta nên xử lý việc này một cách đa phương, cùng với Liên minh châu Âu và cả phần còn lại của thế giới. Dù ông ấy có chọn con đường nào để cải thiện một quan hệ thương mại thì cũng đừng tạo điều kiện cho bên kia làm tổn thương nông dân và người tiêu dùng của mình”, Reuters dẫn lời bà Pelosi cho biết.
Phái đoàn Trung Quốc sắp qua Mỹ đối thoại
Phát ngôn của ông Trump đến chỉ hai ngày trước khi các nhà thương lượng cấp thứ trưởng của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Washington tìm cách chấm dứt thương chiến. Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sẽ là Thứ trưởng Tài chính Liêu Mân. Đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nước sau gần hai tháng ngưng trệ.
Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liêu Mân sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Mỹ đàm phán thương mại cuối tuần này. Ảnh: CAIXIN GLOBAL
Theo Reuters, cuộc đối thoại này được lên kế hoạch nhờ các động thái giảm căng thẳng thương mại tuần trước của cả hai nước. Ông Trump tuyên bố hoãn thực thi gói thuế quan đánh lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu dự kiến sẽ thực hiện vào đầu tháng 10. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hoãn đánh thuế trả đũa lên một số mặt hàng Mỹ.
Cuộc đối thoại này nhằm mở đường cho các cuộc đối thoại cấp cao của hai nước vào đầu tháng 10 nhằm tìm kiếm hướng đi đưa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi cuộc thương chiến kéo dài 14 tháng qua. Tham gia cuộc đàm phán này về phía Trung Quốc sẽ có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, về phía Mỹ sẽ là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Nhiều chuyên gia thương mại, lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ cả hai nước cho rằng thương chiến Mỹ-Trung đã trở thành một cuộc chiến chính trị và ý thức hệ, đã trở nên sâu sắc hơn chỉ là chuyện đánh thuế quan qua lại và có thể sẽ phải mất hàng năm mới giải quyết được.
Nói với Reuters, nhiều chuyên gia nhận định nếu trong vài tuần tới mà hai nước có đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào thì thỏa thuận này cũng chỉ giải quyết được các bất đồng bề mặt, không phải các vấn đề gốc rễ.