“Trung Quốc sẽ không còn trông cậy vào Mỹ và sẽ giành được sự độc lập về công nghệ trong vòng 7 năm”, ông David Roche, Chủ tịch và Chiến lược gia toàn cầu của Independent Strategy nói với đài CNBC.
Ông David Roche, Chủ tịch và Chiến lược gia toàn cầu của Independent Strategy. Ảnh: INTERNET
Trung Quốc từ lâu đã phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ đối với các linh kiện công nghệ chính như chip và phần mềm cũng như modem và động cơ phản lực, nhưng cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước đã làm căng thẳng các mối quan hệ và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp từ cả hai phía.
Hồi tháng 5, khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, Bắc Kinh đã ra lệnh hạn chế công ty của mình mua chip và phần mềm do Mỹ sản xuất trừ khi họ được phép làm như vậy. Một số mạng di động của Mỹ cũng sử dụng thiết bị Huawei, ngoài ra, các công ty khác của Mỹ cho biết doanh thu của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi danh sách đen.
Thêm vào đó, Google cũng tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh với Huawei, một động thái có nghĩa là điện thoại Huawei trong tương lai sẽ không còn được cài đặt với hệ điều hành Android của Google.
Trong bối cảnh căng thẳng đó, Trung Quốc được cho là đang khảo sát các công ty công nghệ của mình để đánh giá mức độ phụ thuộc của họ với các nhà cung cấp Mỹ và cũng tăng cường phát triển ngành công nghệ của riêng họ.
Trung Quốc đang phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình. Theo sáng kiến Made in China 2025 do chính phủ lãnh đạo, Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuất 40% chất bán dẫn vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.
Hiện tại, chỉ có 16% chất bán dẫn được sử dụng ở Trung Quốc được sản xuất trong nước, theo báo cáo tháng 2 từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Chỉ một nửa trong số đó được chế tạo bởi các công ty Trung Quốc.
Ông Roche dự đoán rằng sự kết thúc của cuộc chiến thương mại không đến sớm, mặc dù các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tiếp tục vào tháng 10. Đó là bởi vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về thương mại, “đây là một cuộc xung đột giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc đang suy thoái. Nó không chỉ là về thương mại”, ông Roche cho biết.
Trái lại với quan điểm của David Roche, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang sai lầm khi đối đầu với Mỹ.
Tạp chí Forbes vừa đăng tải một bài báo được xuất bản gần đây trong số tháng 9 của Current History. Bài báo cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mang lại cho Trung Quốc nhận thức sai lầm về việc họ đã ngang hàng quyền lực với Mỹ; và điều đó làm cho giới chức TQ tin rằng Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận với phần thắng về mình trong một trận đấu với Washington.
Đó là một sai lầm lớn. “Sự phụ thuộc lẫn nhau” giữa một nền kinh tế mới nổi, vẫn đang dựa vào xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu công nghệ để tăng trưởng và một quốc gia phát triển trưởng thành, Trung Quốc phải đi một chặng đường dài để có thể ngang hàng với Mỹ.
Một cuộc đụng độ giữa hai siêu cường này sẽ chỉ gây ra một số hậu quả đối với Mỹ nhưng sẽ có sức tàn phá đối với Trung Quốc vào thời điểm này.
Tuy nhiên, tiền đề của sự phụ thuộc vào nhau đã khiến Trung Quốc lầm tưởng rằng thực sự đã đạt được sự ngang hàng quyền lực với Mỹ.
Theo đó, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin tưởng rằng sự gián đoạn đơn phương của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ, điều đó khiến cho chính sách đối với Trung Quốc của Washington sẽ không đi quá đà.