Ông Trump 'không cần thỏa thuận với Trung Quốc để tái đắc cử'

“Chừng nào mà cuộc chiến thương mại chưa có tác động đến nền kinh tế của Mỹ, vốn dĩ là điều tồi tệ nhất đối với người Mỹ, việc cứng rắn với Trung Quốc có lẽ đủ”, bà Anna Ashton, giám đốc cấp cao về các vấn đề chính phủ tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, nói với CNBC hôm 3-9.

Tuy nhiên, bà nói thêm, mức thuế mới có hiệu lực vào cuối tuần qua - cùng với những mức thuế sẽ được áp đặt vào tháng 12 - sẽ đánh vào mọi sản phẩm tiêu dùng mà người Mỹ đang phải trả tiền để mua.

Mỹ và Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng tỉ USD hàng hóa của nhau kể từ năm ngoái và vòng thuế mới nhất đã bắt đầu vào ngày 1-9.

Trên bình diện toàn cầu, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khuấy động thị trường đầu tư và tác động đến triển vọng kinh tế thế giới. Trong nước, các doanh nghiệp Mỹ từ nông dân đến nhà sản xuất và các công ty công nghệ đã bị tổn thương do thuế quan. Chính vì vậy, họ đang thúc giục cả hai bên nên kiềm chế để không leo thang thêm nữa.

“Thật khó để tưởng tượng rằng sẽ không có tác động đáng kể nào đến hầu bao của người dân, từ giờ đến trước kỳ bầu cử năm 2020” - bà Ashton nói.

Bà cho biết Trung Quốc dường như đang thể hiện sự kiềm chế trước sự khiêu khích của Mỹ và “dường như đó là một điều tích cực”. Tuy nhiên, bà nói thêm, tình trạng này của Trung Quốc chỉ có thể là tạm thời.

Một khi sự trả đũa lại tiếp tục, “tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều động thái đe dọa liều lĩnh hơn từ phía Mỹ. Điều này có thể cứ tiếp diễn như thế và tình hình sẽ tiếp tục tồi tệ hơn.

Về việc sử dụng thuế quan trừng phạt, bà Ashton cho biết cả hai nước “thực sự đã gây khó khăn hơn” cho việc thảo luận “các vấn đề cốt lõi” được đưa ra ban đầu, như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyện ép buộc chuyển giao công nghệ.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TASS  


Dù người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là ai, bà cho rằng “chính quyền Mỹ sẽ rắn hơn đối với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, chính quyền tương lai có thể có một cách tiếp cận khác, bà nói thêm.

“Tôi không nghĩ chính quyền mới (nếu có) sẽ phụ thuộc nhiều vào thuế quan”, bà nói. “Tôi không nghĩ rằng chính quyền khác, chẳng hạn như chính quyền của đảng Dân chủ sẽ có cách tiếp cận hoàn toàn giống với chính quyền hiện tại của ông Trump”.

Trong một diễn biến khác, ngoài vũ khí thuế quan, Tổng thống Trump cũng sử dụng những công cụ khác, như yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Cụ thể, hôm 23-8, trong một bài đăng trên Twitter, ông ra lệnh cho các công ty Mỹ “ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm một sự thay thế khác cho Trung Quốc và thúc giục họ hãy bắt đầu sản xuất sản phẩm ở Mỹ”.

Về mặt luật pháp, một tổng thống Mỹ có quyền làm như thế, nhưng theo Timothy Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nói, đây sẽ là một bước đi “cực kỳ khó khăn”.

“Tôi nghĩ rằng sẽ có sự phản đối dữ dội, kể cả từ chính những người lãnh đạo của đảng Cộng hòa… Rất khó để ông Trump đi xa đến vậy” - ông Stratford nói.

“Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc rất, rất phức tạp. Nó ảnh hưởng đến rất nhiều công ty và rất nhiều ngành công nghiệp” - Stratford nói thêm.

Thực tế, ngay cả khi ông Trump chưa chính thức yêu cầu thì đã có nhiều công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc thương chiến.

Về phía Trung Quốc, họ đang bối rối không hiểu “ý định thật sự” của ông Trump là gì.

“Nếu anh không tự tin rằng anh hiểu được ý định lâu dài của phía bên kia, thì anh sẽ lo lắng về việc thực hiện các cam kết vì anh không biết mọi thứ sẽ dẫn đến đâu”, Stratford giải thích.

Và ông kết luận rằng “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách đạt được thỏa thuận, nhưng cũng cố gắng đảm bảo rằng họ không trông có vẻ yếu thế trước Mỹ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm