Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tuần này đã chính thức công bố quyết định tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 300 tỉ USD của Trung Quốc, từ 10% đến 15%. Việc tăng thuế 15% mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1-9.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên vào ngày 30-8 trước khi rời Nhà Trắng rằng thuế quan sẽ không bị hủy bỏ và Mỹ sẽ "chiến thắng trong cuộc chiến" với Trung Quốc. Đồng thời, thêm rằng các cuộc đàm phán thương mại dự kiến vào tháng 9 sẽ không bị hủy bỏ, đài Sputnik đưa tin.
Ông Trump nói rằng Mỹ sắp giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ còn cho biết các quan chức của ông hiện đang có cuộc trò chuyện với các đối tác Trung Quốc về thương mại.
Cụ thể, chính quyền Trump thông báo đã trì hoãn việc tăng thuế đối với một số sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, trò chơi video và các mặt hàng giày dép và quần áo đến ngày 15-12.
Phó Thủ tướng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ sự leo thang của cuộc chiến thương mại với Washington và sẵn sàng tiếp tục tham vấn với Mỹ để khắc phục sự khác biệt.
Tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết mức thuế từ 5% đến 10% sẽ được áp dụng cho hàng hóa trị giá 75 tỉ USD của Mỹ, với một số có hiệu lực vào ngày 1-9 và những thứ khác vào ngày 15-12. Lô thứ hai cũng sẽ bao gồm thuế 25% đối với ô tô Mỹ.
Đáp trả lại, ông Trump thông báo trên Twitter rằng mức thuế 25% áp lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc hiện hành sẽ tăng lên 30% kể từ ngày 1-10. Mức thuế dự kiến 10% với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc khác sẽ tăng lên 15%.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng kể từ năm ngoái khi Washington áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh. Trung Quốc chỉ trích động thái của Mỹ và đưa ra một loạt các bước trả đũa đã leo thang trong một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng.
Ông Trump cho biết hôm 26-8 rằng Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông cũng có cảm giác mạnh mẽ hơn rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại.