Vừa qua, tổ chức Đơn vị Nghiên cứu Kinh tế (Economic Intelligence Unit) đã thực hiện một cuộc khảo sát cho Công ty Quản lý tài sản RBC thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada.
Theo báo South China Morning Post, cuộc khảo sát trên 2.094 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore được thực hiện trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã kéo dài hơn một năm và tình trạng bất ổn kinh tế trên thế giới.
Một cảng hàng hóa tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy có đến 80% nhà đầu tư tham gia khảo sát trở nên chú ý nhiều hơn đến danh mục đầu tư của họ. 1/3 trong số họ quan ngại về tình trạng thương mại xuyên quốc gia và thuế quan.
Bên cạnh đó, hơn một nửa cá nhân được khảo sát cho biết bất ổn kinh tế khiến họ quan ngại trong việc đầu tư và quản lý tài sản của mình, trong khi con số tương ứng của các nhà đầu tư Canada, Anh và Mỹ là 41%.
Ông Terence Chow, Giám đốc điều hành của RBC châu Á, nhận định: “Các nhà đầu tư trên toàn thế giới khó có thể lạc quan về tình trạng giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư châu Á sẽ là những người quan ngại nhất đối với việc bất ổn kinh tế, vì châu Á chịu nhiều ảnh hưởng từ thương mại hơn là Mỹ”.
Tình trạng bất ổn kinh tế cũng khiến các nhà kinh tế trên khắp thế giới quan ngại. Hôm 10-9, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ do sự leo thang căng thẳng trong thương chiến và nguy cơ nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
“Trong 12 tháng qua, tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại vì nhiều nguyên nhân, trong đó có hạn chế định mức cho vay ở Trung Quốc, thắt chặt thanh khoản bằng đồng đôla và các thách thức vĩ mô ở các thị trường mới nổi” - Fitch cho biết.
Vấn đề Hong Kong cũng thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư. Chính quyền đặc khu này đã hạ triển vọng phát triển kinh tế của mình xuống còn 0%-1%. 73% nhà đầu tư từ Hong Kong và 89% từ Trung Quốc đại lục cũng thể hiện sự cẩn trọng của mình trong danh mục đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư trong khảo sát cho biết họ muốn tránh khỏi rủi ro. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ ngưng đầu tư, khi 40% trong số được khảo sát cho biết họ vẫn đang có hoạt động đầu tư - gần gấp đôi so với con số ở Mỹ.
“Khi xem xét đến rủi ro, các cá nhân sở hữu tài sản ròng lớn và siêu lớn không chỉ xem xét đến danh mục đầu tư của mình mà còn chú ý đến các khoản vốn của công ty và đối tác" - ông Chow nói.
Ông còn cho biết thêm, có một vài khách hàng của ông đã chuyển sang đầu tư vào trái phiếu tốt và các tài sản đảm bảo khác. "Họ tin rằng dù tình hình hiện nay còn nhiều bất ổn, song bất ổn sẽ không quá kéo dài” - ông nhấn mạnh.