Ngày 14-12 (giờ địa phương), lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ hai bên ở thủ đô Brussels (Bỉ). Theo tờ South China Morning Post, đây là lần đầu tiên lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU. Thông qua hội nghị, hai bên đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai khối, đồng thời chia sẻ quan điểm về cục diện quốc tế hiện nay.
Thành tựu hợp tác đa lĩnh vực ASEAN - EU
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, lãnh đạo hai bên nhất trí rằng quan hệ EU - ASEAN đang phát triển tích cực, đạt nhiều thành quả. Năm ngoái, ASEAN là đối tác thương mại ngoài khu vực lớn thứ ba của EU, còn EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN. Tổng trao đổi thương mại hai chiều của hai bên trong năm 2021 đạt 268,9 tỉ USD.
EU hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai của ASEAN với tổng số vốn đạt 26,5 tỉ USD tính đến năm 2021.
Trong thời gian tới, EU - ASEAN đồng ý tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng hai bên cùng có lợi và phát triển xanh, bền vững.
Ngoài ra, mục tiêu về thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU - ASEAN cũng được nhắc lại và tiếp tục được hai khối đặt là mục tiêu ưu tiên trong hợp tác kinh tế, thương mại, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy triển khai Tuyên bố chung cấp bộ trưởng về kết nối 2020 và Hiệp định vận tải hàng không toàn diện EU - ASEAN.
Một số nội dung nằm trong chương trình các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ) về thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp cũng được hai bên đề cập và cam kết tăng cường hành động chung.
Đáng chú ý, phía EU công bố kế hoạch trị giá gần 10,6 tỉ USD hỗ trợ triển khai chiến lược cửa ngõ toàn cầu và thông qua các dự án hợp tác, khởi động thuộc khuôn khổ Sáng kiến nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai chương trình Sáng kiến xanh trị giá 30,5 triệu USD hỗ trợ các dự án hợp tác về bảo vệ môi trường và phát triển xanh với ASEAN.
|
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh EU - ASEAN ở Brussels (Bỉ) vào ngày 14-12. Ảnh: XINHUA |
ASEAN thể hiện rõ lập trường chính trị
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết Đông Nam Á những năm gần đây đang trở thành mục tiêu để các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc liên tục tranh giành ảnh hưởng. Ông khẳng định các nước trong khu vực không muốn và không chấp nhận bị đặt vào thế đứng giữa, phải chọn phe. “Chúng tôi tuyệt đối từ chối quay lại cục diện như Chiến tranh lạnh trong quá khứ - thời điểm mà chúng tôi phải chọn phe khi ra quyết định liên kết với bất kỳ cường quốc nào” - ông Marcos Jr. nhấn mạnh.
Ông Marcos Jr. còn nói thêm rằng các thành viên ASEAN “cam kết với ý tưởng rằng tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên được quyết định bởi chính các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải bất kỳ cường quốc nào khác bên ngoài khu vực”.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen chia sẻ rằng không nên để chính trị ảnh hưởng tới tiến trình hợp tác EU - ASEAN. Theo nhà lãnh đạo này, bên cạnh sự hỗ trợ từ EU, ASEAN kỳ vọng sẽ có nhiều thỏa thuận kinh tế hơn nữa giữa hai khối.
Một vấn đề nhạy cảm được nhắc tới tại thượng đỉnh EU - ASEAN đầu tiên này là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy hai bên không đạt được đồng thuận lập trường chung về vấn đề này, song các lãnh đạo ASEAN vẫn đồng ý rằng chiến sự cần phải được ưu tiên chấm dứt sớm, tính mạng, tài sản của người dân, cơ sở hạ tầng dân sinh thiết yếu phải được bảo vệ. Quan điểm của ASEAN là luôn muốn các bên giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Về vấn đề Biển Đông, EU - ASEAN đồng ý rằng cần phải giữ khu vực này hòa bình, ổn định và sự phồn vinh. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Các lãnh đạo mong muốn tất cả các nước tránh mọi hành động đơn phương gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và ổn định Biển Đông. Song song đó, cần tăng tốc nỗ lực thúc đẩy môi trường thuận lợi đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.•
Việt Nam sẽ được hỗ trợ 15,5 tỉ USD nhằm chuyển đổi xanh
Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật, Na Uy và Đan Mạch ký kết thỏa thuận đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP).
Thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới gồm: (1) Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 xuống năm 2030; (2) giảm tới 30% phát thải hằng năm của ngành điện (từ 240 triệu tấn CO2 xuống còn 170 triệu tấn CO2) và đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính sớm hơn năm năm; (3) giới hạn công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW (theo kế hoạch hiện tại) xuống còn mức 30,2 GW; (4) đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện đến năm 2030.
Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.