SCMP: Thượng đỉnh EU-ASEAN tập trung bàn Biển Đông, các điểm nóng địa chính trị

(PLO)- Dự thảo tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU cho biết các bên sẽ tập trung bàn về vấn đề Biển Đông, các sự kiện địa chính trị nóng như chiến sự Nga-Ukraine, tình hình Myanmar...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra hôm nay, 14-12, tại Brussels (Bỉ). Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU và ASEAN nhằm đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, theo Hội đồng châu Âu (EC).

Chủ tịch EC Charles Michel, và Chủ tịch ASEAN 2022 - Thủ tướng Campuchia Hun Sen đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để tái khẳng định cam kết của cả EU và các quốc gia thành viên đối với quan hệ đối tác chiến lược EU-ASEAN, đồng thời cung cấp một diễn đàn chính trị cho EU và ASEAN để thể hiện cam kết chung của họ đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả.

Hội đồng châu Âu trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN tại Brussels (Bỉ). Ảnh: EPA-EFE
Hội đồng châu Âu trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN tại Brussels (Bỉ). Ảnh: EPA-EFE

Theo tờ South China Morning Post, dự thảo tuyên bố chung tập trung vào các vấn đề liên quan Biển Đông.

“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)” - văn bản dự thảo viết.

“Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau, tự kiềm chế trong mọi hoạt động và tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm” - tuyên bố tiếp tục.

Về cuộc chiến Nga-Ukraine, dự thảo tuyên bố cho biết "hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những yếu kém hiện có trong nền kinh tế toàn cầu".

Tuyên bố cũng cho biết “có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt”, song các bên “tiếp tục tái khẳng định sự cần thiết tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU và ASEAN cũng bàn luận các vấn đề địa chính trị nóng như tình hình Myanmar, Afghanistan, và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

SCMP dẫn lời một quan chức EU rằng không ủng hộ việc sử dụng vũ lực như một phương tiện chính trị, và “rất vui khi thấy các đối tác ASEAN của chúng tôi cũng chia sẻ những lo ngại đó”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm