Thượng đỉnh ASEAN-EU: Đông Nam Á ưu tiên thỏa thuận thương mại, không chỉ hỗ trợ

(PLO)- Tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-EU, các nước Đông Nam Á khẳng định mong muốn có một thỏa thuận thương mại tự do với châu Âu hơn là các khoản hỗ trợ và không muốn chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-12, hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đầu tiên giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) chính thức khép lại. Sau cuộc họp, phía châu Á đã tỏ ra thất vọng khi các bên không thể khởi động lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại chung giữa hai khối, đồng thời tái khẳng định lập trường về việc "chọn bên", theo tờ South China Morning Post.

ASEAN mong muốn các thỏa thuận thương mại

Cụ thể, trong cuộc họp ngày 14-12, EU đã công bố gói tài trợ và cho vay cơ sở hạ tầng trị giá 10 tỉ euro (10,7 tỉ USD) dành cho các quốc gia ASEAN.

Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh rằng ASEAN không quan tâm việc “luôn nhận được sự giúp đỡ” từ châu Âu và bày tỏ mong muốn có một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Từ trái sang, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong một buổi họp báo tại hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AP

Từ trái sang, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong một buổi họp báo tại hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AP

Với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, ông Hun Sen nói: “ASEAN không phải lúc nào cũng chờ đợi sự giúp đỡ từ EU, nhưng [chúng ta] cần nhìn thấy sự bổ sung cho nhau về kinh tế của hai khu vực".

“Đúng là các nước châu Âu phát triển hơn, nhưng ASEAN không chỉ là nơi nhận hỗ trợ… ASEAN và châu Âu [nên] đồng ý về một hiệp định thương mại tự do.

Liên quan vấn đề Myanmar, ông nói “chính trị không nên cản trở” tiến trình phát triển hợp tác của EU-ASEAN.

Khoản tài trợ cơ sở hạ tầng trị giá 10 tỉ euro đến năm 2027 đã được cam kết thông qua chương trình Cửa ngõ toàn cầu của EU – được thành lập một năm trước nhằm đối trọng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Chi tiết về các dự án cụ thể không được tiết lộ, cũng như không có thông tin chi tiết về nguồn tiền sẽ đến từ đâu.

Dù vậy, khoản tiền này chiếm chưa đến 1% nguồn vốn mà Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính là cần thiết để Đông Nam Á tăng trưởng với tốc độ hiện tại.

Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh - ông Josep Borrell. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh - ông Josep Borrell. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trả lời câu hỏi của South China Morning Post liên quan vấn đề này, Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh - ông Josep Borrell nói: “Vâng, có 10 tỉ euro. Chắc chắn là chưa đủ, cần nhiều hơn nữa. Nhưng điều quan trọng EU đang thể hiện hành động của liên minh, thể hiện một mặt trận thống nhất”.

ASEAN khẳng định lập trường về việc "chọn bên"

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr cho biết rằng ASEAN không muốn bị cuốn vào các cuộc chiến địa chính trị.

Ông nói: “Chúng tôi hoàn toàn từ chối quay lại Chiến tranh Lạnh, nơi chúng tôi phải chọn siêu cường nào để liên kết".

Ông Marcos nói thêm rằng các thành viên ASEAN “thống nhất với ý tưởng rằng tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên được chính các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương quyết định chứ không phải bất kỳ cường quốc nào khác bên ngoài khu vực”.

Liên quan vấn đề Ukraine, thông cáo chung nêu rõ “hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc xung đột và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm khoét sâu thêm những yếu kém hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”.

Trong thông cáo chung, hai bên khẳng định "có những quan điểm khác và những đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm