Thượng đỉnh G7: Hướng tới thế giới hợp tác, không đối đầu

(PLO)- Các nhà lãnh đạo G7 đề cao tầm quan trọng của việc hợp tác trong và ngoài khối vì lợi ích toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (Nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến trên thế giới) diễn ra từ ngày 19 đến 21-5 tại TP Hiroshima (Nhật Bản), các lãnh đạo nhóm đã thảo luận một loạt vấn đề, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đối với kinh tế và an ninh thế giới.

Hợp tác là chìa khóa quan trọng

Tại phiên họp đầu tiên, Thủ tướng Nhật Bản Kishida tuyên bố chủ đề chính của hội nghị năm nay là khẳng định sự thống nhất của G7 và tăng cường vai trò của G7 đối với một cộng đồng quốc tế đề cao hợp tác chứ không phải chia rẽ và đối đầu, đồng thời thể hiện những đóng góp tích cực và cụ thể của nhóm cho mục tiêu này. Lãnh đạo Nhật Bản sau đó nói rằng ông muốn xác định rõ ràng hai trụ cột của G7, đó là duy trì trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền và tăng cường tiếp cận với các đối tác quốc tế bên ngoài G7.

“Thúc đẩy quan hệ đối tác cùng có lợi và hỗ trợ các chuỗi giá trị bền vững và linh hoạt vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả nền kinh tế của G7 cũng như toàn cầu và đảm bảo sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người” - trích Tuyên bố chung của G7 về phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế.

Qua thảo luận, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa các nước G7 cũng như hợp tác với các đối tác quốc tế hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào một số quốc gia cụ thể và tạo ra chuỗi cung ứng tin cậy. Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí về sự cần thiết phải nỗ lực hướng tới việc duy trì và củng cố hệ thống thương mại tự do và công bằng. Theo đó, việc tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế sẽ bắt nguồn từ việc duy trì và cải thiện một hệ thống quốc tế dựa trên các quy tắc hoạt động hiệu quả, đặc biệt là hệ thống thương mại đa phương với trung tâm là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tiếp theo đó, tại phiên 3 “Chính sách đối ngoại và an ninh”, ông Kishida tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là không thể chấp nhận được ở bất kỳ đâu trên thế giới, điều cần thiết là thể hiện ý chí mạnh mẽ của G7 trong việc duy trì trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp. Về tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ tăng cường các nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố chung của G7 (công bố ngày 20-5) khẳng định nhóm chia sẻ trách nhiệm và quyết tâm phối hợp ngăn chặn việc sử dụng các công nghệ tiên tiến mà chúng ta phát triển để nâng cao năng lực quân sự đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. “Cuối cùng chúng tôi sẽ chia sẻ, khi thích hợp, thông tin và kinh nghiệm để phát triển hơn nữa sự hiểu biết chung về những rủi ro đó và các công cụ chính sách cần thiết để giải quyết chúng và thực hiện các hành động tiếp theo khi cần thiết” - tuyên bố có đoạn viết.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5. Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5. Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác cả trong và ngoài G7 để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc tăng cường hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình trong chuỗi cung ứng bằng cách thúc đẩy sự đa dạng hóa của các nước này, tạo ra giá trị mang tính chất địa phương, mang lại lợi ích cho người lao động và cộng đồng địa phương ở khắp nơi.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết hỗ trợ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong việc xây dựng năng lực phục hồi của họ, gồm thông qua việc thực hiện Hiệp định Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu. Quan hệ đối tác của chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do và công bằng, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và thương mại cùng có lợi” - trích tuyên bố chung, theo Nhà Trắng.

Bàn về Ukraine, Đài Loan, Biển Đông

Tại phiên họp về tình hình Ukraine ngày 19-5, các nhà lãnh đạo G7 đã thẳng thắn trao đổi quan điểm về chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động tại Ukraine. Các nhà lãnh đạo G7 đã tái khẳng định cam kết vững chắc trong việc cung cấp hỗ trợ ngoại giao, nhân đạo và quân sự cần thiết cho Ukraine, đồng thời nhất trí những nỗ lực cụ thể nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm các biện pháp chống lách lệnh trừng phạt.

Theo Tuyên bố G7 về Ukraine công bố ngày 19-5, các nhà lãnh đạo nhóm này “kêu gọi Nga chấm dứt hành động gây hấn đang diễn ra và rút ngay lập tức, hoàn toàn, vô điều kiện quân đội và thiết bị quân sự khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận”, đồng thời cáo buộc chiến dịch quân sự của Moscow vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thông điệp về Ukraine một lần nữa được nhắc lại trong tuyên bố chung của nhóm này, trong đó nhấn mạnh: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine để mang lại một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để thuyết phục các quốc gia lớn mới nổi như Ấn Độ và Brazil thay đổi lập trường và ủng hộ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự hội nghị năm nay.

Ngoài vấn đề Ukraine, tuyên bố chung còn kêu gọi Bắc Kinh giải quyết các vấn đề về Đài Loan một cách hòa bình. Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cho biết họ “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”, song khẳng định nhóm “sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc (TQ)”.

Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân cáo buộc G7 “bôi nhọ, tấn công và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ” của TQ khi nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là vấn đề của người TQ. Ông còn khẳng định Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ, đóng góp cho luật biển quốc tế và cho rằng tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông “nhìn chung vẫn ổn định”.

Ở một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 20-5 cáo buộc các quyết định được thông qua tại thượng đỉnh G7 nhằm mục tiêu ngăn chặn Moscow và Bắc Kinh, hãng thông tấn TASS đưa tin.•

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tăng cường phối hợp chính sách

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự các phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 tại TP Hiroshima (Nhật Bản), bao gồm các phiên thảo luận về chủ đề Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng, Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững và Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, theo TTXVN.

Bên cạnh đó, theo TTXVN, Thủ tướng cũng tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7, cũng như gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ hội nghị.

Tại phiên họp về chủ đề Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu một cách xanh - sạch - bền vững hơn. Thủ tướng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách giữa các nước, đặc biệt là về lãi suất, tài chính - tiền tệ, thương mại và đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm