Sáng 13-9, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan đến tình hình thi hành hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH.
Sửa luật nhiều ảnh hưởng đến tính ổn định
Là người phát biểu đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng kể từ khi Hiến pháp 2013 được ban hành, nước ta đã hoàn thành khá nhiều văn bản để thi hành hiến pháp. Tuy nhiên, bà Nga cũng bày tỏ băn khoăn khi hệ thống pháp luật của chúng ta thiếu ổn định, “cầm một luật mà không biết luật này đã bị sửa bởi những luật nào”...
“Giờ có tâm lý là các bộ, ngành cứ vướng một cái là đề nghị sửa luật ngay. Chúng ta cũng dễ dàng cho sửa luật... Trong khi cần phải chú ý để giữ sự ổn định của hệ thống luật” - bà Nga nói.
Đồng tình, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng tính phối hợp, “nhạc trưởng” không bảo đảm nên khi mỗi bộ, ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những vấn đề có lợi cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành mình nhưng lại không nhìn đến tổng thể chung.
“Thậm chí có nhiều dự án luật chưa thống nhất nhưng vẫn đưa sang. Nhiều cuộc bộ trưởng thay mặt Chính phủ lại nói khác bộ trưởng đi dự” - ông Hiển nhận xét.
Ông Hiển cũng lo lắng khi một số luật có nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật. Ông Hiển nhắc lại việc thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) hôm qua, một dự án luật mà theo ông tác động đến rất nhiều luật khác.
“Luật Giáo dục nói đến thuế, nói đến chính sách tiền tệ (cho vay), chính sách miễn giảm nọ miễn giảm kia... Cơ chế có liên quan đến một ngành nhưng lại tác động đến các lĩnh vực khác, thiếu mỗi không có luật hình sự trong đó thôi. Tôi rất lo” - ông Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (từ trái sang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QH
Cán bộ không ít người thiếu gương mẫu
Phát biểu tại phiên họp, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học dẫn lại nhận định trong báo cáo của Chính phủ cho rằng việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm. Đáng chú ý, nhận định này được nhắc đi nhắc lại trong báo cáo hằng năm.
Theo Nghị quyết số 718 của Luật Tố tụng hành chính, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Sau gần năm năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%); có bốn dự án được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019. Đáng chú ý, vẫn còn 17 dự án (chiếm 22,6%) chưa được đưa vào chương trình, trong đó so với thời hạn dự kiến có hai dự án quá hạn bốn năm, hai dự án quá hạn ba năm và chín dự án quá hạn hai năm. |
“Ủy ban Thường vụ QH cũng có nhiều nghị quyết nói rất nghiêm là phải xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhưng lâu nay mình đã làm được việc này chưa? Nhiều dự án luật chất lượng không tốt, chị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga) vừa nói là “dồn” hết cho cơ quan thẩm tra nhưng xem xét trách nhiệm của các bộ trưởng có liên quan như thế nào thì chưa được chú trọng” - ông Học nói và cho rằng nếu chúng ta “siết chặt” thì tình hình sẽ tốt hơn.
Ông Học cũng đặt câu hỏi: Luật ban hành nhiều nhưng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật không tốt thì luật đi vào cuộc sống thế nào... trong khi chúng ta có đầy đủ bộ máy từ trung ương đến địa phương?
“Điều tôi rất suy nghĩ, từ giám sát của Ủy ban Tư pháp vừa rồi cho thấy cán bộ lãnh đạo chính quyền ở các địa phương không gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật” - ông Học nói thêm.
Theo ông Học, Luật Tố tụng hành chính quy định chủ tịch, phó chủ tịch phải có trách nhiệm tham gia đối thoại, đến tòa tham gia tố tụng nhưng nhiều địa phương không chấp hành. Hay như bản án có hiệu lực pháp luật thì không chịu thi hành.
“Luật pháp ban hành, dù đúng hay sai, phù hợp hay không thì công dân phải thi hành, nếu không sẽ bị xử lý. Bây giờ nói Luật Tố tụng hành chính không phù hợp, cán bộ nhà nước không thực hiện thì có đảm bảo tính công bằng hay không? Nếu như cấp chính quyền, người đứng đầu cấp chính quyền không gương mẫu, không tôn trọng luật pháp thì chúng ta đòi hỏi người dân thượng tôn pháp luật ra làm sao?” - ông Học đặt vấn đề và cho biết Ban Nội chính Trung ương sẽ kiến nghị chấn chỉnh vấn đề này.
“Tình trạng tân quan, tân chính sách là có thật” Có lẽ chúng ta cần xem bây giờ vướng cái gì. Hầu hết doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính của Việt Nam rất lạ lùng và thái độ phục vụ của cán bộ công quyền không giống ai. Vậy thì cần tập trung sửa việc này. Vừa rồi, tôi nghiên cứu thì thấy có vẻ rơi vào trạng thái “tân quan, tân chính sách” là có thật. Thứ hai, dấu ấn của nhiệm kỳ là có thật. Thứ ba, phải chăng làm luật phải có dự án luật... thì mới có kinh phí? Cũng phải nói thật, có một số đạo luật cần sửa vài ba điều, lẽ ra chỉ sửa vài ba điều đó thôi, làm gọn, làm nhanh nhưng sau một hồi thành sửa vài chục điều, sau nữa lại đề nghị sửa đổi toàn diện... Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH NGUYỄN VĂN GIÀU |