Ngày 24-1, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (VN) tiếp tục tiến hành các hội nghị để bàn các công việc chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Đánh giá cao thí điểm của Mặt trận
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhận định: Hoạt động của Mặt trận trong những năm qua đã để lại nhiều tình cảm, ấn tượng tốt đẹp và mong muốn năm 2024, các hoạt động của Mặt trận cần thiết thực, sát với cuộc sống của người dân hơn.
Trong tám nội dung trọng tâm của năm 2024 do Mặt trận đề ra, bà Trương Thị Mai đánh giá cao, đặc biệt là về thí điểm xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
“Nếu chúng ta lan tỏa được nhiều khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc thì đây chính là công việc dành cho nhân dân.”
“Tôi đánh giá cao sáng kiến này. Nếu chúng ta lan tỏa được nhiều khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, đây chính là công việc dành cho nhân dân. Mặt trận làm được điều này cũng là đóng góp to lớn cho cuộc sống của nhân dân” - bà Trương Thị Mai nói.
Bà Mai mong muốn các nội dung Mặt trận đề ra phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, sao cho người dân thấy được hình ảnh của Mặt trận trong cuộc sống của mình…
Nhận định năm 2024 còn nhiều khó khăn, từ ngày 1-7-2024 bắt đầu triển khai cải cách tiền lương, trợ cấp BHXH, các chính sách an sinh khác, bà Mai cho rằng việc này để tạo mạng lưới an sinh nhằm bảo đảm người dân không bị “rớt xuống”. Chính sách bảo hiểm, chính sách an sinh trở thành trụ cột và phải được quan tâm để hàng chục triệu người bước vào tuổi già không bị rơi vào tình trạng không có đồng thu nhập nào.
“BHYT, BHXH là những trụ cột rất quan trọng trong an sinh xã hội. Nếu không tạo được mạng lưới rộng lớn thì người dân gặp bất kỳ cú sốc kinh tế nào cũng có thể trở thành người nghèo, kể cả người đang sống ở TP.HCM hay những đô thị phát triển, họ có thể trở thành người thất nghiệp và người nghèo. Do đó, mạng lưới an sinh là một trong những vấn đề được quan tâm, đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ VN hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này” - bà Mai nói.
Với Mặt trận, bà Mai cho rằng: “Nếu MTTQ VN ngày càng thiết thực, gắn sát với cuộc sống của người dân từ sức khỏe, giáo dục đến làm ăn, sinh kế thì Mặt trận sẽ có được niềm tin, sự đồng thuận. Và đó chính là Mặt trận đã làm tốt được cầu nối giữa Đảng với nhân dân”.
Tám nội dung trọng tâm
Tám nội dung trọng tâm công tác của MTTQ VN trong năm 2024 là:
- Tuyên truyền, vận động về chuẩn bị cho Đại hội lần thứ X MTTQ VN.
- Đổi mới công tác nắm tình hình nhân dân.
- Phản ánh ý kiến của nhân dân, giải quyết vấn đề bức xúc.
- Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Nâng cao chất lượng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người VN dùng hàng VN”…
- Quan tâm đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người gặp khó khăn, người yếu thế trong cuộc sống.
- Các cuộc vận động xóa nhà tạm, dột nát.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ.
Không thể thiếu vai trò của Mặt trận
Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nêu bật những kết quả mà cả hệ thống chính trị đã nỗ lực đạt được trong năm 2023 và cho biết những kết quả trên có vai trò, sự đóng góp thiết thực, quan trọng của MTTQ VN, đặc biệt là sự phối hợp công tác tích cực, chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
Các hoạt động được Phó Thủ tướng đề cập là vận động nhân dân, thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, Mặt trận đã chủ trì thực hiện sáu nội dung giám sát, tổ chức gần 7.200 cuộc phản biện xã hội, trên 1.300 cuộc đối thoại… cùng nhiều công tác quan trọng khác.
Năm 2024, Phó Thủ tướng cho hay Chính phủ sẽ tập trung nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã phê chuẩn. Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… cũng được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh tiếp tục được chú trọng. Các chính sách xã hội, các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”… sẽ tiếp tục được thể hiện qua các đề án, chương trình về nhà ở xã hội, chủ động phòng ngừa, kiểm soát tốt dịch bệnh…
Công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp cũng được tăng cường…
“Để thực hiện thắng lợi các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên không thể thiếu được vai trò đặc biệt quan trọng của MTTQ VN - là nơi hiệu triệu, quy tụ, tập hợp nhân dân thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, chung sức chung lòng, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị vẻ vang của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN XHCN” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.•
Bà Tô Thị Bích Châu làm phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Trong sáng 24-1, bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1 (TP.HCM), đã được hội nghị hiệp thương, cử làm phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
100% đại biểu tham dự đã biểu quyết, hiệp thương cử bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Đảng đoàn MTTQ VN, tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
Phát biểu sau đó, bà Tô Thị Bích Châu mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hết lòng quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
Bà cũng cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 1 (TP.HCM) nơi bà công tác ở vị trí bí thư Quận ủy.