Thượng viện bận rộn ngày cuối cùng nhiệm kỳ ông Trump

Sau khi Hạ viện chính thức thông qua nghị quyết luận tội đương kim Tổng thống Donald Trump hôm 14-1, Thượng viện hiện được cho là đang gấp rút lên kế hoạch để vừa có thể tổ chức phiên xét xử ông Trump, vừa xem xét chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống tân cử Joe Biden. Đáng chú ý là cơ quan này phải đến ít nhất là ngày 19-1 mới chính thức làm việc lại. 
Lộ trình làm việc sắp tới của Thượng viện 
Cụ thể, tờ The New York Times cho biết các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã làm việc với các đồng nghiệp đảng Cộng hòa nhằm tìm cách phân chia thời gian giữa phiên tòa luận tội ông Trump, việc xem xét các đề cử nhân sự trong nội các sắp tới của ông Biden, cũng như thảo luận thông qua chương trình cứu trợ kinh tế 1.900 tỉ USD đối phó đại dịch COVID-19.
“Dĩ nhiên đây không phải là việc chưa có tiền lệ, tuy nhiên một lộ trình như vậy hoàn toàn thực hiện được nếu mọi thành viên Thượng viện đồng tình và quyết tâm” - thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut - ông Richard Blumenthal cho biết.
Tiêu điểm
 20.000
binh sĩ Vệ binh quốc gia từ các bang lân cận ngày 17-1 đã đặt chân đến thủ đô Washington, D.C. nhằm đảm bảo an ninh từ đây đến ngày ông Biden nhậm chức hôm 20-1, theo đài CNN.
Ông Blumenthal cũng nhận định rằng phiên xét xử thực chất sẽ diễn ra rất đơn giản và không tốn nhiều thời gian, bởi những bằng chứng cần có để kết tội ông Trump đã được ghi lại dưới dạng video hoặc các dòng trạng thái trên mạng. “Vấn đề là liệu các thành viên đảng Cộng hòa có muốn tiến thêm một bước và đối mặt với lịch sử hay không?” - nghị sĩ này đặt câu hỏi. 
Mặt khác, Hạ viện dù đã thông qua nghị quyết luận tội nhưng vẫn chưa gửi điều khoản luận tội lên Thượng viện. Một số thành viên đảng Dân chủ cho biết bà Pelosi có thể đợi đến ngày 25-1 hoặc lâu hơn để Thượng viện có thêm thời gian điều động lực lượng an ninh chuẩn bị đối phó với những thành phần cực đoan ủng hộ ông Trump.

Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện - ông Mitch Mcconnell (giữa) trên đường tới dự một phiên họp ở Quốc hội hồi tháng 12-2020. Ảnh: REUTERS 

Xét xử ông Trump và lựa chọn của đảng Cộng hòa
Hiện các thành viên đảng Cộng hòa đang phải chọn giữa việc cùng phe Dân chủ tiến hành xét xử ông Trump hoặc bảo vệ nhà lãnh đạo này tới cùng. Hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện đến nay vẫn im lặng về lập trường của mình. 
Thượng nghị sĩ bang Alaska - bà Lisa Murkowski, một trong những thành viên Cộng hòa chỉ trích ông Trump kịch liệt nhất, hôm 14-1 đã lên tiếng khẳng định sẽ cùng với một nhóm nhỏ các nghị sĩ khác cùng đảng thúc đẩy nỗ lực kết tội Tổng thống Trump. Bà gọi hành động của ông Trump là “trái pháp luật” và để lại những hậu quả không thể chối cãi. Bà Murkowski nhấn mạnh rằng Hạ viện đã hành động rất thích đáng khi luận tội ông Trump.
Nhóm của bà Murkowski còn có thượng nghị sĩ bang Nebraska - ông Ben Sasse, thượng nghị sĩ bang Utah - ông Mitt Romney, thượng nghị sĩ bang Pennsylvania - ông Patrick J. Toomey và thượng nghị sĩ bang Maine - bà Susan Collins. Những người này đều đã lên tiếng nói rằng họ muốn tổng thống chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn và sẽ cân nhắc việc bỏ phiếu kết tội ông. Trong số này có ông Romney đã từng bỏ phiếu kết tội ông Trump trong phiên xét xử luận tội thứ nhất hồi tháng 2-2020.
Trong khi đó, tuần trước, đài CNN dẫn một cố vấn giấu tên của lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện - thượng nghị sĩ Mitch McConnell tiết lộ ông này ủng hộ việc luận tội vì tin rằng động thái này sẽ giúp đảng thoát khỏi ảnh hưởng của Tổng thống Donald Trump trở về sau. Dù vậy, ông McConnell từ chối khởi động quá trình xét xử trước khi ông Biden nhậm chức ngày 20-1 vì muốn tập trung đảm bảo tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra ổn định.
Theo phân tích của The New York Times, về phía đảng Cộng hòa, ông Mitch McConnell nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ Quốc hội và những nhà tài trợ lớn của đảng này nhiều hơn ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump lại nhận được sự ủng hộ từ các cử tri trung thành với đảng Cộng hòa nhiều hơn so với ông Mitch McConnell. Do đó, những hành xử cụ thể của đảng Cộng hòa với phiên xử ông Trump tại Thượng viện vẫn là tình thế đang diễn ra và chưa thể xác quyết được điều gì ngay lúc này.•
 Nghị quyết luận tội ông Trump chia rẽ Hạ viện
Trong cuộc biểu quyết nghị quyết luận tội ông Trump hôm 14-1, 10 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận cùng với các đồng nghiệp Dân chủ. Khi lựa chọn quyết định như vậy, các nghị sĩ này đều hiểu rõ những rủi ro chính trị sẽ đối mặt như bị mất phiếu ủng hộ từ cử tri và mất tín nhiệm trong nội bộ đảng trong đợt tranh cử tiếp theo.
Đơn cử, một trong những nghị sĩ bỏ phiếu thuận là bà Liz Cheney của bang Wyoming đã bị chính những đồng nghiệp ở Hạ viện chỉ trích kịch liệt và yêu cầu phải từ chức. Chi bộ đảng Cộng hòa ở bang Wyoming cũng ra thông cáo chỉ trích thậm tệ bà Cheney, tuyên bố các chi bộ đảng ở các bang khác cũng rất không đồng tình. Thông báo còn khẳng định việc bà Cheney đồng thuận với đảng Dân chủ trong việc luận tội ông Trump lần thứ hai là hành động đi ngược lại với ý chí của các cử tri đã bầu bà Cheney là người đại diện cho họ tại Hạ viện.
Tuy nhiên, bà Cheney giải thích bà quyết định đồng ý luận tội tổng thống là vì “tiếng nói của lương tâm”. “Tổng thống lẽ ra đã có thể can thiệp mạnh mẽ và ngay lập tức để ngăn chặn bạo lực. Ông ấy đã không làm. Ông ấy đã phản bội lời tuyên thệ khi nhậm chức của mình” - nghị sĩ này khẳng định. 
Những nghị sĩ bỏ phiếu thuận còn lại như ông John Katko của bang New York, hay ông Tom Rice của bang South Carolina cũng đã bị các nhóm bảo thủ tại bang họ lên án gay gắt tương tự vì đã có quyết định không phản ánh đúng ý nguyện của cử tri. 
“Chúng tôi cho rằng hành động của ông ấy rất thiếu thông tin. Nó sẽ không giúp ích gì cho việc chấm dứt tình trạng chia rẽ đất nước mà sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề mà thôi” - cử tri bảo thủ Kelly Anderson (65 tuổi) ở New York khẳng định khi trả lời phỏng vấn của The New York Times.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm