Ngày 26-5, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM tại Mỹ cho biết Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố từ cuối năm 2015 với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Nghị quyết này còn phải được Hạ viện Mỹ thông qua và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật mới có hiệu lực.
Theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là một tin vui cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Bãi bỏ vì không cần thiết
Các nghị sĩ Mỹ nhìn nhận rằng nguyên nhân chính khiến USDA áp dụng quy định ngặt nghèo này không phải là bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng Mỹ mà là để bảo hộ những người nuôi cá da trơn. Hơn nữa, chương trình giám sát cá tra quá tốn kém khi tốn 30 triệu USD để xây dựng hệ thống giám sát mới và 14 triệu USD hằng năm để duy trì.
Thượng nghị sĩ John McCain đánh giá Chương trình Giám sát cá da trơn của USDA là nỗ lực trá hình nhằm bảo vệ các công ty cá da trơn ở miền Nam của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với các nhà nhập khẩu Việt Nam.
Thượng nghị sĩ John Mc.Cain
Chính vì vậy, các thượng nghị sĩ ủng hộ nghị quyết trên nêu rõ tính chất trùng lặp, lãng phí, không cần thiết và bảo hộ thương mại của Chương trình Giám sát cá da trơn.
Ông Hòe nhận xét việc Thượng viện Mỹ bác bỏ chương trình trên là thành công bước đầu rất quan trọng, tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện Mỹ. “Ông John P. Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), hồi tháng 12-2015 cũng đã có buổi làm việc với VASEP và ông phản đối quyết liệt chương trình này. Theo NFI, Chương trình Giám sát cá da trơn không hướng đến an toàn thực phẩm mà là quyết tâm loại trừ hàng nhập khẩu, lãng phí gấp tám lần các chương trình thanh tra khác” - ông Hòe chia sẻ.
Ông Nguyễn Phước Bửu Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex II, cho biết thêm hiện tại các DN cá tra Việt Nam đang rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng”, đó là vừa chịu thuế chống bán phá giá vừa chịu quy định tiêu chuẩn tương đồng của Mỹ.
Cụ thể, theo quy định mới của USDA, tất cả tiêu chuẩn mà các cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đạt được thời gian qua đều không có giá trị mà phải theo quy định của USDA. Cá tra ở Mỹ nuôi theo tiêu chuẩn nào thì cá tra Việt phải đáp ứng những điều kiện đó. Điều này làm chi phí của DN sản xuất, chế biến Việt tăng và những nhà nhập khẩu cũng gặp nhiều áp lực về kiểm tra, giám sát. Thậm chí cá tra Việt có nguy cơ bị bịt đường vào Mỹ.
“Do vậy nếu gỡ bỏ “tròng” quy định tương đồng trong chương trình trên sẽ thuận lợi rất lớn cho cá tra Việt” - ông Huy nói.
Cá tra xếp thứ 6/10 loài thủy sản được ưa chuộng tại Mỹ. Ảnh: GIA TUỆ
Rộng đường vào Mỹ
Luật sư Ngô Quang Thụy, người nhiều năm đại diện cho các DN thủy sản Việt Nam trong những vụ kiện bán phá giá tại Mỹ, bình luận nếu được cả Hạ viện Mỹ thông qua thì gần như chắc chắn Tổng thống Barack Obama sẽ ký sắc lệnh ban hành việc hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn. Vì trước đó, Nhà trắng và bản thân Tổng thống Barack Obama đã khẳng định rằng đây là chương trình lãng phí, không cần thiết và đề nghị không cấp ngân sách hoạt động cho chương trình này. “Do vậy, việc Thượng viện Mỹ bác bỏ là động thái thuận lợi cho DN Việt Nam” - luật sư Thụy nhìn nhận.
Là một trong các DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ mấy năm nay, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Biển Đông, đánh giá nếu chương trình giám sát cá tra được hủy bỏ thì DN có thể đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu sang Mỹ.
“Từ nhiều năm nay, cá tra Việt Nam đạt được nhiều chứng nhận quốc tế về nuôi cá tra bền vững như ASC, GlobalG.A.P., MSC. Những tiêu chuẩn này đều có yêu cầu cao về môi trường nuôi, thức ăn, chế biến, trách nhiệm xã hội. Bằng chứng là thời gian qua, 45 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phía Mỹ công nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ” - ông Trường phân tích.
Trong khi đó, nhiều năm nay có một số công ty đã dừng xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng trước thông tin trên cũng có ý định xuất khẩu trở lại vào thị trường này. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho hay công ty có tới ba nhà máy chế biến cá tra đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ. Nếu chương trình giám sát bãi bỏ thì công ty sẽ có kế hoạch khai thác thị trường này.
Tuy nhiên, ông Đạo cũng cho rằng dù Mỹ có bãi bỏ hay không thì quan trọng nhất là DN Việt vẫn phải chứng tỏ năng lực của mình bằng những sản phẩm chất lượng. “DN cá tra phải xây dựng được hệ thống chuỗi liên kết từ con giống, nuôi trồng, thức ăn, chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt phải đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng Mỹ” - ông Đạo nhấn mạnh.
Tương tự, ông Trương Đình Hòe nói đây là thời điểm công ty cá tra Việt Nam cần tận dụng sự ủng hộ từ các nghị sĩ Mỹ bằng việc xuất khẩu những sản phẩm chất lượng, đa dạng.
Người Mỹ ăn nhiều cá tra Việt Theo VASEP, mỗi năm giá trị nhập cá da trơn của Mỹ đạt trên 300 triệu USD, trong đó cá tra chiếm tới 75% và sản phẩm cá tra Việt Nam chiếm phần lớn. Trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ, cá tra xếp thứ sáu là thủy sản được ưa chuộng. Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, do nhu cầu nguyên liệu đầu vào không ổn định khiến giá cá tra lúc tăng lúc giảm. Từ thực tế đó, người nuôi chủ yếu sản xuất cầm cự, không thả nuôi nhiều. Cụ thể, sản lượng thu hoạch cá tra năm tháng đầu năm 2016 của các tỉnh ĐBSCL giảm tới 7% so với cùng kỳ và chỉ ước đạt 358.508 tấn. |