Theo RT, lệnh trừng phạt Nga được áp dụng nhằm “đáp trả sự vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và Crimea, cuộc tấn công mạng và can thiệp bầu cử cũng như các hành động gây hấn tiếp diễn ở Syria”.
AFP cho biết theo những sửa đổi mới, mọi động thái nới lỏng, tạm ngừng hoặc hủy bỏ trừng phạt Nga đều cần phải được Quốc hội Mỹ bật đèn xanh. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt được áp đặt theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Barack Obama trước đây, đặc biệt là nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng Nga, sẽ được soạn thành luật.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP
Dự luật mới cũng cho biết bất kỳ sắc lệnh trừng phạt nào áp vào Nga dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đều không thể bị gỡ bỏ nếu không có sự xem xét của Quốc hội. Trong dự luật cũng có điều khoản ngăn cản Tổng thống Donald Trump đơn phương giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Dự luật sửa đổi này còn cho phép “mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế nga, gồm khai thác khoáng, kim loại, vận tải biển và đường sắt”. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt cũng sẽ nhắm mục tiêu tới “các công dân Nga tham nhũng, các thành phần vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, các bên cung cấp vũ khí cho lực lượng của chính phủ Syria và các nhân tố thay mặt chính phủ Nga tiến hành các hoạt động tấn công mạng”.
Tuy nhiên, để trở thành luật, văn kiện này còn phải được Hạ viện thông qua và Tổng thống Donald Trump ký ban hành.
Bình luận về thông tin trên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chính phủ Nga đang cố gắng tránh đưa ra các lệnh trừng phạt để đáp trả việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật mới gây bất lợi cho Moscow. Thay vào đó sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi dự luật này chính thức có hiệu lực, theo Sputnik.