Gây hại vì không nghĩ đến dân
Tôi rất đồng tình với ý kiến của chuyên gia thủy điện Lê Trí Tập rằng hiện đang có “bệnh dịch” mang tên thủy điện (xem bài“Đang có “bệnh dịch” mang tên thủy điện”, Pháp Luật TP.HCM ngày 19-11). Những phân tích của ông rất đúng. Trong những ngày qua, thủy điện xả nước đã gây ra bao đau thương, mất mát cho người dân miền Trung. Nói như ông Tập, các công trình thủy điện gần như không có tác dụng đa mục đích (phòng lũ, trữ nước tưới tiêu mùa hạn, cung cấp năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội…) mà chỉ nhằm mục đích duy nhất là phát điện thu tiền. Thủy điện đang tham gia “rất tích cực” vào việc phá rừng, làm diện tích đồi trọc tăng lên nên cứ mưa là nước chảy tuột xuống hạ du.
“Lũ thủy điện” lên nhanh khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, chỉ vơ ít đồ đạc rồi đưa nhau đi lánh nạn. Ảnh: TT
Ngoài ra, vì mục đích lợi nhuận, các thủy điện sợ không đủ nước vào mùa khô nên tích trữ vô tội vạ. Đến khi nước cao quá thì hoảng hốt xả để khỏi vỡ đập khiến người dân hạ lưu phải gánh tang thương. Đừng đổ lỗi cho ông trời nữa. Người dân không nghe lọt lỗ tai các lập luận như vậy. Các thủy điện cần phải chấm dứt ngay vấn nạn này, đừng để người dân phải tiếp tục trở thành nạn nhân của việc làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Những người có trách nhiệm phải nhận ngay sai sót. Cơ quan chức năng cũng nên rà soát bỏ bớt công trình thủy điện có nhiều khả năng gây hại cho người dân.
NGUYỄN THÀNH VINH (Cư xá đường sắt, TP.HCM)
Người dân khốn đốn
Nhìn nhà cửa, ruộng vườn… bị nước cuốn đi, càng nghĩ tôi càng bức xúc. Từ ngày các thủy điện ở thượng nguồn như A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung… hoạt động, người dân vùng hạ lưu khốn đốn. Chỉ khoảng một tiếng sau khi các thủy điện xả lũ, nước tràn về, ngập quá nóc nhà. Dòng nước chảy xiết, cuốn phăng mọi thứ.
Trong cơn lũ vừa qua, gia đình tôi không kịp trở tay, chỉ vơ ít đồ đạc rồi đưa nhau đi lánh nạn. Mặc dù địa phương này có lắp hệ thống còi hụ cảnh báo xả lũ nhưng người dân vẫn không ứng phó kịp vì thời gian quá ngắn, chỉ trước khi xả lũ 2-3 tiếng. Thậm chí nhiều vùng xa trung tâm không nghe được tiếng còi hụ, chỉ thấy dân làng xếp đồ đạc chạy lũ thì mình chạy theo. Chúng tôi cứ sống trong thấp thỏm, lo âu. Tội cho người dân chúng tôi quá.
Chị TRẦN THỊ HỮU (Thôn Tân An, xã Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam)
Đang họp chống lũ thì lũ đã lên
Đúng là trong đợt lũ vừa qua, nước từ thượng nguồn tuôn về quá nhanh khiến chính quyền địa phương không kịp làm công tác sơ tán, di dời tài sản. Trong khi chúng tôi đang cùng các trưởng thôn họp bàn phương án ứng phó với thủy điện xã lũ thì nước đã ngập lên đến mặt đường. Các trưởng thôn khẩn trương quay về thông báo cho người dân di dời nhưng không còn kịp, nhiều nơi đã chìm ngập trong nước lũ. Lũ thủy điện gây thiệt hại lớn về kinh tế, cơ sở vật chất, đường sá… Thật là đau lòng.
Ông HUỲNH SÁU (Chủ tịch UBND xã Đại An, huyện Đại Lộc,
Quảng Nam)
Trước mắt, phải thông báo sớm
Việc phòng, chống lũ lụt ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy thủy điện thường xuyên xả lũ. Các đợt lũ từ thượng nguồn bất ngờ ập xuống, gây quá nhiều thiệt hại. Theo tôi, thời gian từ khi phát thông báo đến khi tiến hành xả lũ chỉ hơn hai tiếng là quá ngắn. Đối với những xã miền núi của huyện Đại Lộc, hệ thống thông tin liên lạc mùa mưa lũ hay chập chờn, đường sá không thuận tiện nên không thể thông tin kịp đến cho tận người dân. Trước mắt phải kéo dài thời gian phát thông báo đến khi tiến hành xả lũ lên 5-6 tiếng mới được.
Ông ĐẶNG HÙNG TRẬN, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc
(Quảng Nam)