Trên đây là một số thông tin tích cực được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo “Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 có bao nhiêu điểm sáng” do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức ngày 1-12.
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
PGS.TS Nguyễn Chí Hải - Nguyên trưởng khoa kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG TP.HCM dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết: Ccác chỉ số kinh tế của Việt Nam trong 2 tháng 10 và 11-2023 đều có chuyển biến tích cực, do tác động của chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công, kinh tế tư nhân và tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi, xuất khẩu tiếp tục gia tăng.
Nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế quý IV năm nay có thể đạt 7,0% và tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt trên 5%. Đây là chỉ tiêu thấp hơn kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, song vẫn thể hiện sự nỗ lực của nền kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định, tiếp tục là “điểm sáng” của nền kinh tế. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp (nông, lâm nghiệp và thủy sản) 9 tháng đầu năm 2023 đạt vượt mức năm 2022 (cùng kỳ) với 3,43%, đóng góp vào mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế là 9,16%.
Dự báo cuối năm 2023, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên 3,5%, giữ vững vai trò “bệ đỡ” và là “trụ chính” của nền kinh tế.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỉ USD, xuất siêu đạt 8,04 tỉ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp cán mốc chỉ tiêu 54 tỉ USD.
Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục gia tăng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến tháng 11 vừa qua, FDI của Việt Nam đã tăng lên khá ấn tượng, qua đó đưa tổng vốn đăng ký 11 tháng năm 2023 đạt 28,85 tỉ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 20,25 tỉ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ.
Tỉ giá USD/VND đã đi qua mùa "bão"
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết thêm: Năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam đối mặt với bốn rủi ro, thách thức lớn.
Trước hết là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Thứ hai là sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ; nợ công và nợ tư tăng; rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng.
Thứ ba là rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu. Thứ tư là giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính – tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, chúng ta vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội và các động lực tăng trưởng cho kinh tế năm 2023-2024. Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Số liệu xuất khẩu đang phục hồi, đơn hàng đang dần trở lại.
Chính vì thế chỉ số công nghiệp dù bị âm 14% thì đến nay đã phục hồi và tăng trưởng dương 1% so với luỹ kế 11 tháng đầu năm. Tháng này với tháng sau đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng của chỉ số công nghiệp ở mức khoảng 3-4%.
Về lãi suất cho vay thì đã giảm và từ nay tới đầu năm sau vẫn sẽ giảm thêm, chỉ không thể giảm mạnh. Bởi nếu giảm lãi suất tiền đồng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến mối tương quan giữa lãi suất VND và lãi suất USD, qua đó gây áp lực lên tỉ giá.
Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp khi có nhu cầu vay USD đều phải chịu mức lãi suất khoảng 7%/năm.
"Tỉ giá cũng được xem là điểm sáng của nền kinh tế. Nhìn lại năm 2022, tiền đồng mất giá tới 3,42% so với USD và chịu áp lực biến động tỉ giá rất mạnh vào tháng 10-11 do sự cố của ngân hàng SCB.
Nhưng năm nay, tỉ giá đã “êm” hơn rất nhiều. Cho dù trong tháng 9-10 vừa qua, tỉ giá có dấu hiệu tăng tương đối mạnh vì lo lắng áp lực FED tiếp tục tăng lãi suất điều hành. Từ đầu tháng 11 đến nay, chúng ta không còn lo về việc tăng tỉ giá nữa. Bởi nhiều khả năng FED đã chấm dứt lộ trình tăng lãi suất. Do đó, đồng USD sẽ không tăng giá nữa và về cơ bản là đồng đôla đã và đang giảm giá.
"Chỉ trong một tháng vừa qua, tiền đồng đã tăng 1,32% so với đồng USD. Nhờ vậy chúng ta sẽ không còn phải đối mặt với áp lực về tỉ giá trong những tháng cuối năm, cũng như trong năm sau. Tôi cho rằng, năm nay tỉ giá tăng khoảng 2,5-3%, năm tới mức tăng chỉ đâu đó từ 1,5-2,5%", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.