Kiểm toán Nhà nước mới đây đã yêu cầu Tổng Công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) phải nộp khoản lợi nhuận 2.495 tỉ đồng còn lại sau phân phối về ngân sách Nhà nước, chiếm 89,59% lợi nhuận còn lại.
Tuy nhiên, Sabeco vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 đã kiểm toán. Trong báo cáo này Sabeco đã phản hồi về kết luận của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của tổng công ty và các công ty con.
Sabeco cho rằng không có cơ sở thực hiện ngay yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. Sabeco cho biết kiến nghị của kiểm toán chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty. Theo đó, đại hội đồng cổ đông sẽ quyết định, thông qua việc phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.
Cụ thể theo Điều 165 của Luật Doanh nghiệp số 68/2014, Đại hội cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần và có quyền quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần.
Trong khi đó đại hội đồng cổ đông chưa phê duyệt quyết định phân chia cổ tức cho Bộ Công Thương và các cổ đông không kiểm soát như yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước nên Sabeco chưa có đủ cơ sở để ghi nhận khoản phải trả này.
"Sabeco chỉ thuyết minh là một khoản nợ tiềm tàng trên báo cáo tài chính riêng, hiện công ty đang thực hiện để xin ý kiến các cổ đông" - đại diện công ty cho biết.
Hơn nữa, với việc Vietnam Beverage nắm quyền kiểm soát tại Sabeco, việc chi trả cổ tức liên quan đến khoản truy thu của Kiểm toán Nhà nước gây xung đột lợi ích lớn giữa một bên là lợi ích nhà nước - một bên là cổ đông tư nhân.
Trả lời báo chí, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết khúc mắc chính nằm ở khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco giai đoạn 2007-2015, khoảng 2.500 tỉ đồng.
Để không ảnh hưởng tới quá trình bán vốn, khi hoàn thiện hồ sơ, phần lợi nhuận chưa phân phối này đã được Sabeco “khoanh” lại, nhằm đảm bảo khi có quyết định chính thức từ cấp có thẩm quyền sẽ không ảnh hưởng tới “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp. Việc này đã được Sabeco xin ý kiến các cơ quan chức năng hướng dẫn, phê duyệt trước khi thực hiện.
“Chúng tôi đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc xử lý dứt điểm khoản thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco bị treo lại từ giai đoạn trước xem phải nộp hay không. Nếu phải nộp khoản thuế này sẽ không còn khoản lợi nhuận chưa chia trên. Thực chất vẫn là tiền Nhà nước nộp về cho Nhà nước, không mất đi đâu cả” - ông Hoài nói.
Qua vụ việc này có thể thấy trước mắt người Thái đang chịu thiệt khá nhiều tại Sabeco. Thứ nhất: Họ phải mua giá cao, trong đó có yếu tố khoản lợi nhuận 2.400 tỉ đồng chưa được trừ đi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các tỉ số tài chính, như ROE, EPS mà có quyết đến giá bán cổ phần Sabeco.
Thứ hai: Thông qua Vietnam Beverage, Thaibev đã chi tới gần 5 tỉ USD để sở hữu 343.642.587 cổ phiếu SAB (chiếm 53,59%) vốn Sabeco. Tuy vậy đến nay Thaibev chưa vẫn được trực tiếp tham gia HĐQT và điều hành Sabeco. Họ phải chờ đến Đại hội cổ đông bất thường sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4 này mới biết được "số phận".
Hiện tại, ông Võ Thanh Hà đang đảm nhận chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thành Nam đang giữ vị trí tổng giám đốc. Hai nhân sự này là đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco.
Đến nay Thaibev vẫn chưa vẫn được trực tiếp tham gia HĐQT và điều hành Sabeco.
Người Thái quyết định việc chia cổ tức Sabeco cũng vừa có giải trình về sự chênh lệch giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính do công ty công bố. Theo đó, với khoản mục chi phí tài chính có mức chênh lệch lên 53%, giảm từ 105 tỉ đồng xuống còn 56 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều đến lãi ròng của Sabeco, chỉ với một chênh lệch nhỏ vào khoảng 2%. Kết thúc năm tài chính 2017, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 4.562 tỉ đồng. Khoản lợi nhuận này sẽ tách thành hai phần là lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư hoặc chia cổ tức. Quyết định chia cổ tức giờ đây không nằm trong quyền của Nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào Thaibev, đơn vị đang nắm vai trò chi phối, với tỉ lệ sở hữu là 53,59%. |