Theo tờ National Interest, mỗi lần tiêm kích đánh chặn siêu thanh Mikoyan MiG-31 cất cánh từ căn cứ không quân Nga gần Ukraine, thì loại tiêm kích này đều gieo rắc nỗi hoang mang, lo sợ cho người dân cũng như quân đội Ukraine.
Hồi tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng các tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal sẽ tuần tra thường xuyên ở không phận trên Biển Đen.
Khi đó người phát ngôn lực lượng Không quân Ukraine - ông Yury Ignat nói rằng khi tiêm kích MiG-31 tuần tra, các cảnh báo không kích sẽ vang lên trên khắp Ukraine. Ông Ignat nói rằng sức mạnh không quân của Nga có thể tấn công Ukraine bằng Kinzhal từ cả hướng bắc, hướng đông cũng như ở Biển Đen.
Tuần trước, lực lượng Không quân Nga cho biết đã tấn công các mục tiêu ở Ukraine bằng tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal được bắn từ tiêm kích MiG-31. Lực lượng Không quân Ukraine xác nhận các tên lửa này của Nga đã nhắm vào ngoại ô TP Starokostiantyniv (tỉnh Khmelnytskyi).
Tiêm kích MiG-31 - loại chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới
Mikoyan MiG-31 là tiêm kích đánh chặn siêu thanh được phát triển để phục vụ cho lực lượng Không quân Liên Xô, thay thế cho tiêm kích MiG-25. Chuyến bay đầu tiên của Mikoyan MiG-31 vào tháng 9-1975.
MiG-31 được coi là một trong những máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới và dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động cho đến ít nhất là giữa những năm 2030, theo National Interest.
Tiêm kích MiG-31 được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số hiện đại, có 2 chỗ ngồi với người ngồi ghế sau là sĩ quan chịu trách nhiệm về hệ thống vũ khí chuyên dụng.
Khung máy bay bao gồm 49% thép niken hàn hồ quang, 33% hợp kim kim loại nhẹ, 16% titan và 2% vật liệu tổng hợp.
MiG-31 cũng được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết. Thân máy bay được thiết kế hợp lý cho phép nó bay ở độ cao thấp với tốc độ siêu âm như mong muốn. Tiêm kích được trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đặc biệt, cho phép tăng phạm vi chiến đấu.
Tiêm kích MiG-31 ít nhiều vẫn là một bí ẩn ở phương Tây, một phần là vì vẫn còn nhiều ẩn số về các khả năng của nó.
Tiêm kích MiG-31 của Nga lợi hại ra sao?
Điểm then chốt là tiêm kích MiG-31 đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tên lửa Kinzhal đạt được tốc độ siêu thanh.
Tên lửa mang trên tiêm kích MiG-31 sẽ được phóng từ độ cao khoảng 20 km so với mặt đất và ở tốc độ ít nhất là 1.500 km/giờ. Tốc độ của tiêm kích này cho phép Kinzhal đạt tốc độ tối đa, gấp 8-10 lần tốc độ âm thanh, khiến tên lửa có khả năng gây sát thương cao và gần như không thể bị đánh chặn.
Còn phiên bản MiG-31BM nâng cấp sử dụng tên lửa không đối không tầm xa R-33 và tên lửa không đối không tầm ngắn R-73.
MiG-31BM được trang bị 2 động cơ D-30F6, với tốc độ tối đa 3.000 km/giờ, trần bay 20.600 m và được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu giữa không trung.
Không rõ có bao nhiêu chiếc MiG-31 nguyên bản đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn 31BM nhưng có thông tin cho rằng con số này chưa đến 100 trong số 500 chiếc sản xuất từ thời Liên Xô.
Mặc dù tiêm kích MiG-31 không được phát triển để chiến đấu tầm gần hoặc quay đầu nhanh nhưng nó là máy bay chiến đấu đầu tiên của Liên Xô có khả năng nhìn xuống và bắn hạ. MiG-31 cũng có thể ở độ cao rất lớn để theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc.
Radar Zaslon của MiG-31 là radar mảng pha đầu tiên trên thế giới có tầm hoạt động 200 km. Nó có thể theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và kiểm soát sự tấn công của 4 mục tiêu trong số đó cùng một lúc.
Do máy bay chiến đấu siêu thanh này có khả năng mang tên lửa đạn đạo Kinzhal nên mỗi khi một chiếc MiG-31 cất cánh từ căn cứ quân sự Nga gần Ukraine, cảnh báo không kích sẽ được đưa ra trên toàn bộ đất nước, đôi khi kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Như tờ Kyiv Post gần đây đưa tin rằng rất nhiều doanh nghiệp ở Ukraine có chính sách an toàn là đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh khi có cảnh báo không kích.
Do đó, các cảnh báo do MiG-31 kích hoạt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine. Nga biết rằng họ có thể làm gián đoạn việc kinh doanh của Ukraine chỉ đơn giản bằng cách đưa một chiếc MiG-31 lên không trung và để nó bay vòng quanh một lúc.