Tiến độ thực hiện các dự án điện khí ở Việt Nam ra sao?

(PLO)- Từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí là 30.424 MW, chiếm khoảng 40% tổng công suất điện cần bổ sung.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-12, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức diễn đàn về chuỗi phân phối khí LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam.

Tại diễn đàn, ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng đã thông tin về tình hình đầu tư xây dựng các dự án điện khí trọng điểm tại Việt Nam.

Tiến độ các dự án sử dụng khí Lô B

Ông Kỳ cho biết, ở Việt Nam mới có một nhà máy nhiệt điện khí được đưa vào vận hành. Đó là nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, đưa vào vận hành năm 2015. Hiện nhà máy đang sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B.

dự án điện khí
Ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng thông tin về tình hình đầu tư xây dựng các dự án điện khí trọng điểm tại Việt Nam. Ảnh: AH

Ngoài nhà máy nhiệt điện Ô Môn I còn có nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III, Ô Môn IV. Với nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (liên danh chủ đầu tư là Marubeni và Vietracimex), đến nay đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), hiện chủ đầu tư đang đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hợp đồng bán khí (GSA) với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Về Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III, PVN hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án này do liên quan đến thủ tục đầu tư dự án có sử dụng vốn ODA phức tạp, kéo dài, nên dễ chậm tiến độ.

Về Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV, Hội đồng thành viên PVN đã phê duyệt FS điều chỉnh. Chủ đầu tư đang chuẩn bị đấu thầu EPC và triển khai thực hiện dự án.

Tiến độ các dự án sử dụng khí Cá Voi Xanh, khí LNG nhập khẩu

Ông Lã Hồng Kỳ cho biết, sử dụng khí Cá Voi Xanh gồm 5 nhà máy Dung Quất I, II, III; Miền Trung I, II với tổng công suất 3.750 MW. Dự án phát triển mỏ khí thượng nguồn, đường ống, trạm xử lý khí trên bờ do nhà thầu ExxonMobil làm nhà điều hành đang chậm dẫn đến việc đàm phán các thỏa thuận thương mại và bảo lãnh chính phủ (GGU) chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các nhà máy.

dự án điện khí
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Ảnh: PVN

13 dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG nhập khẩu với tổng công suất 22.524 MW đã được phê duyệt trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch VIII thì có 3 dự án/4.500 MW (Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập) chưa có chủ đầu tư.

Về dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, sử dụng LNG từ kho cảng LNG Thị Vải, hiện Dự án kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng. Tiến độ tổng thể của dự án đạt khoảng 94%. Dự kiến dự án Nhơn Trạch 3 vận hành vào quý II-2025, Nhơn Trạch 4 vận hành quý III-2025.

Các dự án còn lại, như dự án nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước, hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục để phê duyệt FS và đàm phán các thỏa thuận/hợp đồng của Dự án. Khó khăn chính của dự án là chưa thống nhất được các nội dung trong Hợp đồng PPA do vướng mắc về sản lượng hợp đồng hàng năm.

Dự án nhà máy nhiệt điện Bạc Liêu (nhà đầu tư là Delta Offshore Energy Pte.Ltd), chủ đầu tư đang hoàn thiện FS, đàm phán hợp đồng PPA và các thỏa thuận liên quan. Dự án đang gặp vướng mắc do chủ đầu tư đang đề nghị đưa vào hợp đồng PPA một số điều kiện đảm bảo thực hiện Dự án. Tuy nhiên, một số đề xuất của chủ đầu tư chưa phù hợp với quy định hiện hành…

Theo ông Kỳ, việc thực hiện các dự án hiện nay đang gặp các khó khăn, vướng mắc như một số tỉnh còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, công tác bàn giao đất, cho thuê đất đối với dự án nguồn và tuyến đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án.

Bên cạnh đó, hiện trong quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch, một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí.

Ngoài ra còn có các vướng mắc liên quan đến chủ đầu tư như vấn đề thu xếp vốn vay, vấn đề chuyển ngang giá khí sang giá điện…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm