Tiền lệ nguy hiểm nếu nâng thành án lệ

Như đã thông tin, TAND Tối cao đã đưa ra dự thảo gồm 18 bản án, quyết định dự kiến phát triển thành án lệ. Tại hội thảo lấy ý kiến vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia đã phân tích cho rằng một số bản án chưa đủ tính thuyết phục để trở thành án lệ. Những ý kiến này là nguồn tham khảo quan trọng giúp TAND Tối cao tuyển chọn được những án lệ chất lượng.

Tranh cãi về giao dịch bằng ngoại tệ

Một dự thảo án lệ gây tranh cãi là Quyết định giám đốc thẩm số 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vụ này, khi giao dịch với nhau thì các bên thống nhất là thanh toán bằng đồng Việt Nam nhưng đến khi thanh toán thì lại dùng ngoại tệ. Đường lối giải quyết được đề xuất làm án lệ là xác định giao dịch không vô hiệu toàn phần.

Theo thẩm phán Phan Thanh Tùng (Phó Chánh Tòa Dân sự TAND Cấp cao tại TP.HCM), cách giải quyết này không tiêu biểu, không nên phát triển thành án lệ. Bởi nội dung dự thảo không chứa lập luận nhằm giải thích quy định pháp luật có cách hiểu khác nhau. Trong khi tiêu chí đầu tiên của án lệ là chứa đựng lập luận để làm rõ các quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối quy phạm pháp luật cần áp dụng.

“Trước đây, trong một báo cáo tổng kết của ngành tòa án cho rằng các giao dịch về ngoại tệ, vàng khác nhau thì chỉ xác định giao dịch vô hiệu thôi chứ không có văn bản nào để tiếp thu. Vì đó xét cho cùng cũng là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của đương sự, nó chỉ là ở hình thức vàng hay ngoại tệ, nếu có vi phạm thì vi phạm về hành chính về giấy phép” - ông Tùng nói thêm.

PGS-TS Đỗ Văn Đại đang phản biện tại hội thảo. Ảnh: NGÂN NGA

PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) thì lại đồng tình với án lệ này. TS Đại cho rằng hiện nay các giao dịch bằng ngoại tệ rất phổ biến, nhất là USD. Thực tế, nhiều tòa cũng tuyên bố vô hiệu toàn bộ. Việc tòa án các cấp viện dẫn vi phạm quy định về quản lý ngoại hối trong thanh toán để vô hiệu hóa toàn bộ hợp đồng là không thuyết phục. Cần có án lệ để thay đổi thói quen xấu này và dự thảo án lệ theo hướng này là thuyết phục.

TS Đại nói: “Ở đây, chỉ thanh toán bằng ngoại tệ là vi phạm. Nên nếu hợp đồng có vô hiệu thì chỉ vô hiệu việc thanh toán bằng ngoại tệ. Phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị trên cơ sở quy định tại Điều 130 BLDS 2015: Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Do đó nếu án lệ này được thông qua thì cần mở rộng phạm vi áp dụng cho các giao dịch chuyển nhượng cổ phần, mua bán nhà xe… chứ không chỉ giới hạn ở chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Lấn đất giáp ranh, buộc trả hay không?

Một dự thảo án lệ nhận được nhiều ý kiến trái chiều nữa là Quyết định giám đốc thẩm số 363/2014 của TAND Tối cao về trường hợp xây dựng lấn chiếm đất giáp ranh.

Dự thảo định hướng: “Việc lấn chiếm đất của người khác cần buộc trả lại mới đúng. Nhưng cần phải xác định rõ phần đất nào có thể trả lại cho A và C thì buộc B phải trả lại. Còn phần đất nào đã xây dựng nhà kiên cố, không thể tháo dỡ trả lại được thì mới buộc trả lại bằng giá trị...”.

Theo TS Đại, việc xây dựng lấn chiếm đất giáp ranh khá phổ biến. BLDS có quy định để bảo vệ quyền của chủ đất bị lấn chiếm như đòi tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật… Tuy nhiên, đối với loại tranh chấp về lấn chiếm khi xây dựng thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc đề xuất án lệ cho trường hợp này là cần thiết. Tuy nhiên, cách giải quyết như dự thảo là chưa thuyết phục, nếu phát triển thành án lệ sẽ dễ dẫn đến bị lạm dụng.

Ông Đại phân tích trong vụ án này, việc lấn chiếm chiều ngang 1,3 m là khá lớn. Nếu thành án lệ sẽ dẫn đến cách hiểu là lấn chiếm bao nhiêu cũng vẫn được giữ lại, không phải tháo dỡ công trình, chỉ cần thanh toán bằng giá trị là được. Tư tưởng như vậy sẽ không ổn, người muốn lấn sẽ không do dự lấn chiếm phần đất giáp ranh của người khác. Ngoài ra, dự thảo án lệ cũng không đề cập đến việc người lấn chiếm có ngay tình hay không.

Đồng tình, thẩm phán Trần Thị Cẩm Hồng (TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng cho rằng cần thiết phải xem xét đến yếu tố có ngay tình hay không. “Huyện Bình Chánh chúng tôi là điểm nóng về xây dựng, tốc độ đô thị hóa rất cao, có thể sau một đêm người ta đã xây xong một căn nhà. Nếu dự thảo này được phát triển thành án lệ sẽ là một điều nguy hiểm” - bà Hồng lo ngại.

Đường lối đã rõ, không cần án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 319/2011 của TAND Tối cao về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng có ý kiến phản đối phát triển thành án lệ. Dự thảo án lệ này hướng dẫn giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Cụ thể là phải xác định chính xác mức độ lỗi của các đương sự làm cho hợp đồng vô hiệu. Khi cả hai bên cùng có lỗi thì khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu mỗi bên phải chịu một nửa.

Thẩm phán Phan Thanh Tùng cho rằng nội dung tranh chấp này đã có đường lối giải quyết, không cần thiết phải có án lệ. Cụ thể, Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quy định rõ cách giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Nếu hợp đồng vô hiệu thì xác định lỗi, xác định thiệt hại, thiệt hại là cái gì và định giá tài sản tranh chấp để giải quyết. Phần chênh lệch đó sẽ tùy theo lỗi phải của các bên để mà chia. Tất nhiên phần vốn thì phải trả lại cho người mua. Theo thẩm phán Tùng, quyết định trên này không nên chọn làm án lệ, vì cách giải quyết của tòa án các cấp tòa từ trước đến nay vẫn theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2003.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới