Tháng trước, sau khi một đồng nghiệp viết bài về một cụ già 80 tuổi nuôi sáu người con bị điên, tôi kêu gọi bạn bè giúp đỡ cụ. Mấy ngày sau, tôi mang gần 100 triệu đồng tiền hỗ trợ đến cho cụ già.
Nước chảy chỗ trũng và “cú sốc ứng xử”
Lúc này nhà cụ không còn chỗ để chứa quà từ hàng trăm đoàn đến tặng. Hơn năm tấn gạo, hàng trăm thùng mì, đường sữa, chăn nệm, quần áo xếp ra đến hàng hiên. Rất may, UBND xã đã kịp thời lập một tổ thống kê và tìm cách giải quyết số hiện vật này bằng cách cho những hộ có nhu cầu vay lại để sử dụng và trả dần vào tài khoản mà các nhà hảo tâm mở giúp cụ ở ngân hàng.
Trong cơn lũ năm ngoái, chúng tôi về cứu trợ tại một số xã ngập nặng của Hà Tĩnh. Dù đã liên lạc và hẹn địa phương nhưng chờ cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thể gặp được dân. Cán bộ xã cho biết chỉ riêng chiều hôm ấy, các hộ dân này đã tiếp đến… sáu đoàn từ thiện, còn trong cả đợt lũ thì mỗi hộ có thể nhận quà đến mấy chục lần. Trong khi đó ngay xã bên cạnh, dân rất khổ nhưng không được tuyên truyền nên các đoàn đến thăm lại loe hoe.
Không hiếm chuyện cười ra nước mắt ở các bệnh viện, đặc biệt là BV Nhi đồng. Những trường hợp thương tâm của trẻ em nghèo thường được sự quan tâm lớn của xã hội. Có bé sau khi báo chí, mạng xã hội viết bài kêu gọi giúp đỡ, số tiền gửi qua tác giả bài viết hoặc qua cơ quan báo chí đã thừa chi phí nằm viện và còn có dư một khoản để gia đình sinh sống, thế nhưng các nhóm từ thiện và nhà hảo tâm vẫn tiếp tục ùn ùn đến giúp. Đáng buồn, có những trường hợp, số tiền từ thiện quá lớn đã mang lại cho họ một cú sốc ứng xử. Đã có lần tôi chứng kiến nó biến thành xe SH và điện thoại iPhone mới của cha mẹ, cô dì chăm sóc bé.
Nhiều chiêu trò trục lợi
Mạng xã hội đã hỗ trợ rất lớn cho việc lan tỏa thông tin, kết nối nguồn lực từ thiện. Tuy nhiên, nhiều kẻ đã dùng nó để trục lợi, lừa đảo. Chúng có thể hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm, tìm đến các trường hợp bệnh nhi lấy thông tin viết bài kêu gọi đổ tiền về tài khoản của mình, sau đó chỉ trao một phần cho bệnh nhân, còn lại chiếm hưởng. Lại có kẻ sử dụng thông tin từ những Facebooker có uy tín, block nick của tác giả rồi cứ thế viết bài kêu gọi quyên góp vào tài khoản của mình. Để nhận được sự quan tâm, chúng dùng cách push like ảo và share đến nhiều tài khoản khác. Dù kẻ lừa đảo thu được một số tiền lớn nhưng số tiền mỗi người bị lừa không nhiều nên hiếm khi có ai tố cáo. Đến nay hình như chưa có kẻ nào bị điều tra, xử lý.
Sau khi báo Pháp Luật TP.HCMnêu về hoàn cảnh thầy giáo Lưu Thanh Hải (Quảng Nam), bạn đọc của báo và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ số tiền gần 400 triệu đồng cho thầy Hải thực hiện ca mổ thay máy trợ tim. Ảnh: NGUYỄN DO
Có khi sự trục lợi xuất hiện từ phía người được giúp. Có một khoản tiền lớn sau khi được báo chí và mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ, họ tiếp tục than thở với báo khác hoặc hot Facebooker khác để được tiếp tục viết bài kêu gọi hỗ trợ. Có người bệnh ngặt nghèo, tàn tật đã giấu đi bệnh án của mình tại bệnh viện cũ và đến khám, điều trị ở bệnh viện khác để rồi kêu gọi hảo tâm từ một nhóm công chúng mới.
Đại diện một quỹ từ thiện lớn cho biết lần nọ anh mang tiền đến giúp một ca bị bệnh ngặt nghèo cần phẫu thuật mà quỹ đài thọ 100% bằng cách trao tiền mặt. Vừa trao xong thì gặp đại diện một quỹ từ thiện khác đi vào và cũng trao tiền… đài thọ 100% cho ca này, ngoài ra còn nhiều nhà hảo tâm khác cũng đến giúp. Việc người thụ hưởng giấu đi các nguồn lực hỗ trợ để xin đài thọ nhiều lần không hiếm. Tuy nhiên, không thể chế tài họ bằng pháp luật mà chỉ có thể bằng lòng tự trọng. Mà quan niệm về tự trọng thì mỗi người có thể không giống số đông xã hội. Và ngay trong mỗi con người, số tiền có được từ sự hào phóng và lòng từ tâm của người khác đôi khi cũng khiến họ tha hóa thành kẻ trục lợi, lừa phỉnh.
“Bản đồ từ thiện” và chính quyền
Làm thiện nguyện không chỉ có cho đi mà qua đó người trao cũng nhận lại được rất nhiều tình cảm, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống; nó góp phần vun xới và lan tỏa lòng nhân ái, trách nhiệm và nghĩa vụ cộng đồng; nó biến cải nhiều số phận, điều chỉnh xã hội theo hướng tích cực mà Nhà nước khó có thể điều chỉnh bằng các công cụ hành chính khác. Cho đến nay có rất nhiều tổ chức từ thiện của tôn giáo, các quỹ từ thiện với những chương trình mục tiêu khác nhau như Quỹ Trò nghèo vùng cao (Cơm có thịt) do nhà báo Trần Đăng Tuấn sáng lập, Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup; chuỗi quán cơm Nụ Cười của nhà báo Nam Đồng… và hàng trăm, hàng ngàn tổ chức, nhóm tự phát khác.
Với các tổ chức, nguồn lực và mục tiêu được quản lý minh bạch và chuyên nghiệp. Như Cơm có thịt, ngoài tiền hỗ trợ bữa ăn, quần áo thì trong các dự án, khi một nơi đã được trợ giúp xong, quỹ sẽ chuyển mục tiêu sang đối tượng khác. Tại chuỗi quán cơm Nụ Cười, có thời điểm số gạo ủng hộ quá lớn, để lâu sẽ hư và tốn chi phí bảo quản, quỹ đã linh động bán ra và chuyển số tiền này cho việc trợ giúp người nghèo. Vấn đề là tất cả thu chi đều cập nhật và minh bạch để bất kỳ ai, kể cả những người không tham gia đóng góp cũng có thể giám sát.
Trong một trao đổi mới đây, nhà báo Trần Đăng Tuấn nói rằng ông mong muốn sẽ có một bản đồ từ thiện quốc gia, trong đó kết nối được tất cả đối tượng giúp đỡ với các tổ chức xã hội-từ thiện và mạnh thường quân. Hiện nay trang bandotuthien.vn của báo Lao Động là một cơ sở dữ liệu được xây dựng theo hướng này. Chỉ với vài thao tác click chuột, mỗi người có thể cập nhật đầy đủ hiện trạng hoàn cảnh mình cần giúp đỡ: Họ là ai, ở đâu, họ đang như thế nào, họ đã được hỗ trợ chưa và cách hỗ trợ họ như thế nào là thiết thực nhất. Tuy nhiên, bản đồ này cũng chỉ mới dừng ở việc nối kết các địa chỉ mà báo Lao Động phát hiện. Dù sao đó cũng là sự khởi đầu tốt đẹp để có thêm kênh dẫn cho nguồn lực nhân ái.
Cạnh đó, công tác truyền thông về vấn đề xã hội ở các địa phương nếu được chính quyền quan tâm, thúc đẩy chắc chắn sẽ kết nối được nguồn lực để đỡ đần nhiều số phận.
Chính quyền không thể làm thay giới truyền thông, tuy nhiên việc thông tin, tiếp cận, mở ra và thúc đẩy các kênh dẫn nguồn lực nhân ái là điều có thể làm. Nó sẽ góp phần xóa đi phận nghèo, cải biến và ổn định tình hình để chính quyền bớt nặng gánh, tập trung cho những mục tiêu khác.