Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tiền Việt Nam có xu hướng tăng giá trong vòng 3 tháng trở lại đây. Nếu như vào tháng 5, tỉ giá VND/USD cao nhất là 23.310 đồng/USD thì đến tháng 6 giảm dần còn 23.110 đồng và sang tháng 7 chỉ còn 23.110 đồng rồi rớt xuống 23.090 đồng và tỉ giá này giữ đến thời điểm hiện nay (12-8).
Các công ty chứng khoán cũng đồng loạt nhận định tiền đồng vẫn giữ giá ổn định so với đồng USD.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong tháng 7, tỉ giá trung tâm và tỉ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại cùng chung xu hướng giảm so với tháng 6.
Xu hướng hạ nhiệt của USD trên thị trường thế giới là nguyên nhân chính giúp tỉ giá USD/VND giảm trong tháng 7. So với cuối năm 2019 thì chỉ số USD Index vào cuối tháng 7 đã giảm 3%.
Ngoài ra, việc Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu lớn đạt 6,5 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm giúp nguồn cung USD được duy trì.
Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng, tiền đồng tăng giá nhờ các yếu tố như: Dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào với thặng dư thương mại đạt 1 tỉ USD trong tháng 7 và đồng USD suy yếu. Trong thời gian đến, dòng vốn nước ngoài ổn định và dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ tiếp tục hỗ trợ tiền đồng.
Công ty chứng khoán SSI nhận định, dịch bệnh và các bất ổn vĩ mô hỗ trợ vàng tiếp tục tăng nóng, vượt ngưỡng cản tâm lý 2.000 USD/ounce và chạm mức đỉnh lịch sử 2.089 USD/ounce trước khi hạ nhiệt. Chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới và diễn biến dịch bệnh trong nước, giá vàng SJC cũng tăng chóng mặt, có thời điểm lên sát 63 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế không ngừng tăng lên. Khoảng cách giữa giá bán ra và mua vào đã tăng mạnh cho thấy rủi ro ở phía người mua đang rất lớn.
Tuy nhiên thị trường ngoại hối Việt Nam những năm gần đây ít chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ cho thấy nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào, tỉ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.