Các nhà khoa học ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Hà Nội) và Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) ở Quảng Bình vừa tiến hành công trình nghiên cứu “Điều tra khảo sát đa dạng sinh học thú gặm nhấm và thú ăn sâu bọ bên trong và lân cận VQG PN-KB”. Kết quả điều tra kết luận hệ thú gặm nhấm ở đây đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã diễn ra ngày càng gay gắt.
Trình độ, kỹ thuật bẫy thú chuyên nghiệp
Trong bản “Điều tra đa dạng các loài thú ăn thịt nhỏ và cu li ở VQG” của ông Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường CRES) và ông Đỗ Tước (Viện Điều tra và Quy hoạch rừng) công bố có đoạn: “Săn bẫy, đặc biệt là sử dụng bẫy thắt chân, đang là mối đe dọa lớn nhất cho các loài thú di chuyển trên mặt đất. Hoạt động săn, bẫy được ghi nhận ở tất cả các điểm nghiên cứu và diễn ra ở hầu hết các góc rừng ở đây. Kỹ thuật sử dụng bẫy thắt chân dường như đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Hoạt động bẫy diễn ra quanh năm, vào các mùa, khi động vật bị mắc bẫy, chúng được chuyển về các đầu mối tiêu thụ, cứ như thế tạo thành một mạng lưới rất gắn kết và liên tục.
Bên cạnh việc sử dụng bẫy, súng cũng là công cụ săn phổ biến. Ở các cửa hàng tổng hợp ở các xã, đạn săn và dây bẫy có thể được mua với số lượng lớn mà không gặp khó khăn gì. Điều này cho thấy mức độ phổ biến và thường xuyên của việc săn, bẫy.
Một con linh trưởng được đưa lên bàn ăn. Ảnh: MINH QUÊ
Thịt thú rừng cũng được bán tương đối công khai ở nhiều nhà hàng địa phương. Thịt của một số loài động vật nguy cấp như sơn dương, chà vá chân đỏ, cầy đã được quan sát ở một số nhà hàng và nhà dân ở khu vực nghiên cứu. Dường như, săn, bẫy và tiêu thụ động vật bất hợp pháp trở nên phổ biến. Mặc dù bất hợp pháp nhưng xem ra việc săn, buôn bán ít được quản lý ở các địa phương, các nhà hàng vẫn bán mà không để ý đến việc có thể bị bắt”.
Từ những quan sát trên, các nhà khoa học đúc kết: Hoạt động thực thi pháp luật cũng là điểm yếu trong VQG PN-KB. Trong thời gian điều tra, các nhà khoa học chỉ một lần nhìn thấy một nhóm cán bộ chức năng đi tuần tra, kiểm soát.
Loài chuột đá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng
Tháng 9-2011, các nhà khoa học thế giới chấn động bởi một “hóa thạch sống” về loài từng bị coi là đã tuyệt chủng cách đây… 11 triệu năm được phát hiện ở vùng núi xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình). Đó chính là loài chuột đá, được người Rục phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng chưa có biện pháp nào để bảo vệ loài chuột quý hiếm này.
Các nhà khoa học thế giới coi chuột đá ở Việt Nam như một huyền thoại về hóa thạch sống bởi bóng dáng cổ đại của nó được lưu giữ qua hàng triệu năm với bàn chân có màng như màng vịt, dáng đi lạch bạch. Về cấu trúc phía ngoài, nó như sự pha trộn giữa động vật dưới nước và trên khô, gần giống loài lưỡng cư nhưng có lông, sinh con đẻ cái và nuôi con bằng sữa… Lẽ ra loài này phải được bảo tồn nghiêm ngặt sau khi phát hiện.
Loài vượn đen má trắng đang bị đe dọa ở Phong Nha-Kẻ Bàng do săn trộm. Ảnh: MINH QUÊ
Ấy thế nhưng với người Rục, con vật cổ đại còn sót lại này được họ gọi là Ninh Cùng (Ninh Cụng) và thịt của nó từng thường xuyên có mặt trong các bữa ăn của họ như một chất tươi giàu đạm. Từ tháng 9-2011 đến nay đã có hàng chục con Ninh Cùng bị bắt và giết thịt.
Đến bản Ón (xã Thượng Hóa), chúng tôi được nghe người Rục hồn nhiên kể về thịt Ninh Cùng ngon như thế nào, cách thức bẫy bắt nó ra sao. Người dân bảo có nghe các nhà khoa học nói loài này quý hiếm chứ không hề nghe cán bộ bảo tồn khuyên đừng bắt nó ăn thịt nữa. Ông Cao Văn Yên, người vừa bẫy hai con Ninh Cùng về ăn thịt, nói: “Đời mình không biết bắt Ninh Cùng nhiều như thế nào, năm mô cũng bắt được. Trước đây, độ tháng 8, tháng 9 bẫy được nhiều, các năm trở lại đây nó ít đi nhưng vẫn thường gặp, không lấy nó làm thịt thì chẳng biết lấy gì cho có chất béo, chất tươi”.
Thịt các loài linh trưởng bán như thịt gà
Không chỉ dừng lại ở đó, 10 loài linh trưởng như voọc chà vá chân nâu, khỉ mặt chó, voọc đen tuyền, cu li lớn, cu li nhỏ, vượn đen má trắng… cũng đang bị bẫy bắt trong rừng di sản. Tại thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) có ít nhất hai nhà hàng bán thịt khỉ có nguồn gốc từ PN-KB. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khỉ ở Quy Đạt được mua từ các thợ săn ở Hóa Sơn, Thượng Hóa, đó là khu vực mở rộng diện tích rừng gần 31.000 ha của PN-KB.
Chuột đá, loài vật tưởng tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, giờ bị con người bẫy ăn hàng ngày. Ảnh: MINH QUÊ
Một chú khỉ mặt đỏ chờ hành quyết, chú được bắt từ vùng Hóa Sơn. Ảnh: MINH QUÊ
Trong vai một thực khách vào quá ở dọc đường chính của Quy Đạt, hỏi thịt khỉ, chủ quán liền đon đả hỏi: “Ưa ăn đầu nấu cháo hay tay khỉ hoặc phay khỉ, lườn khỉ đều có cả”. Dò hỏi, chủ quán trả lời thật thà rằng khỉ ở rừng PN-KB ngon tuyệt (!).
Người dân ở đây cho biết thợ săn khỉ không chỉ có ở Hóa Sơn, Thượng Hóa mà còn xuất phát từ xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) - nơi có trụ sở của Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý VQG PN-KB. Bà con nói vào Sơn Trạch mua thịt khỉ rất khó nhưng nếu quen thân thì sẽ được “chiều chuộng” nhiệt tình. Người dân còn cho biết thêm: Đã có ba người đi bắt khỉ ở trong vùng bị thiệt mạng trong thời gian qua…
* * *
PN-KB không chỉ mất gỗ sưa và các loài gỗ quý hiếm khác. Mỗi ngày hàng chục, hàng trăm con thú quý hiếm có tên trong Sách đỏ còn bị con người điệu ra khỏi rừng để đặt những đĩa thịt thơm phức lên bàn cho các thực khách. Nếu chính quyền, cơ quan chức năng không sớm ra tay thì một ngày không xa, di sản PN-KB sẽ chỉ còn lại trong ký ức.
MINH QUÊ