Tiếp sức để doanh nghiệp Việt tăng tốc ‘về đích’

(PLO)- Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng cần tiếp sức cho doanh nghiệp Việt về dòng tiền, cải cách chính sách, tăng năng lực cạnh tranh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kinh tế Việt Nam đã hồi phục khá mạnh mẽ trong quý II vừa qua và nếu đà này được duy trì thì GDP trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt mức 6- 6,5% nhờ mở rộng chi tiêu công và sự phát triển của ngành du lịch. Các chuyên gia đánh giá kết quả khả quan này tạo ra tín hiệu tích cực cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2024.

Hai trở ngại doanh nghiệp Việt cần hỗ trợ

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, kiêm Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM:

Từ đầu năm đơn hàng đã quay trở lại, đặc biệt những đơn hàng xuất khẩu tăng, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cao su, nhựa nói riêng cũng như doanh nghiệp Việt nói chung đều gặp 2 trở ngại chính ngay trên “sân nhà”. Thứ nhất là sức mua thị trường giảm sút, đơn hàng nội địa gần như không tăng, nguyên do thu nhập người tiêu dùng trong nước giảm.

doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh

Thứ hai là sự lép vế cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp Việt với các sản phẩm ngoại nhập trên thị trường thương mại điện tử. Với giá rẻ hơn, độ phủ sóng có mặt trên các trang bán hàng thương mại điện tử nhiều hơn nên cạnh tranh lớn so với hàng Việt Nam. Lấy ví dụ một đôi giày cùng loại nhưng hàng Trung Quốc bán trên sàn thương mại điện tử chỉ có hơn 200 ngàn đồng/đôi, trong khi đôi giày Việt Nam có giá bán 400 ngàn đồng/đôi.

Hơn nữa số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang dần hụt hơi khó cạnh tranh. Do đó, theo tôi, bên cạnh sự nỗ lực của chính doanh nghiệp thì cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước làm sao để kích cầu tiêu dùng trong nước, ưu tiên hàng Việt Nam. Hay có những những chính sách dạy cách bán hàng online, đào tạo livestream bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

doanh-nghiep-Viet-Nam8.JPG
Doanh nghiệp Việt cần hỗ trợ tiếp sức cạnh tranh ngay trên sân nhà. Ảnh: QH

Cần tháo gỡ nhanh các vướng mắc quy định

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Tính chung trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 5,33 tỷ USD, tăng 8%, tương ứng tăng 396 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng thủy sản trong 7 tháng năm 2024 sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ đạt 964 triệu USD, tăng 12,8%; Nhật Bản đạt 840 triệu USD, tăng 0,1%; Trung Quốc đạt 837 triệu USD, tăng 11,6%; EU đạt 596 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV-2024. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỉ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2023.

doanh nghiệp Việt
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản nói chung, doanh nghiệp thủy sản nói riêng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến vì dịch bệnh, có thể đẩy giá xuất khẩu tăng nhưng không bền vững.

Ngoài ra, giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.

Đặc biệt, EU vừa ban hành những quy định mới về nhập khẩu thủy sản, thay đổi cách thức phân loại các sản phẩm nhập khẩu từ việc dựa trên tỷ lệ nguồn gốc động vật sang sức khỏe cộng đồng và sức khỏe động vật.

Ngoài ra, hiệp hội cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải.

Như khó khăn do quy định áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp Việt trong các năm đầu khi mới đầu tư.

VASEP kiến nghị sửa đổi quy định tại Điều 5 Nghị định số 132/2020 để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

doanh nghiệp Việt
Cần giải pháp kích cầu tiêu dùng tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế về đích cuối năm 2024. Ảnh: QH

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét công nhận, thừa nhận lẫn nhau, chấp nhận Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của các quốc gia có thỏa thuận với EU để gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu vào EU.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuỷ sản cũng đề nghị rà soát lại quy định kích thước tối thiểu được khai thác đối với một số loài thủy sản theo Nghị định 37/2024 như cá ngừ vằn, mực ống… để điều chỉnh phù hợp thực tế.

6 thách thức chính doanh nghiệp TP.HCM đang đối mặt

Khảo sát tình hình doanh nghiệp quý II năm 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy có hơn 57% doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, 30,4% doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm, phản ánh những thách thức đang diễn ra trên thị trường. Mức tồn kho đã tăng lên 34% và số dư nợ tăng lên 42%, cho thấy điều kiện thị trường đang xấu đi và vấn đề nợ đang phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp.

Sáu thách thức chính doanh nghiệp đối mặt:

+ 50.0% doanh nghiệp gặp khó khăn do “Thiếu đơn hàng mới.”

+ 29.0% gặp khó khăn do “Giá nguyên liệu đầu vào tăng.”

+ 64.0% gặp khó khăn do “Nhu cầu tiêu dùng giảm.”

+ 16.0% gặp khó khăn do “Thiếu vốn kinh doanh.”

+ 2.0% gặp khó khăn do “Thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh.”

+ 30.0% gặp khó khăn do “Thuế và phí cao.”

doanh-nghiep-Viet-Nam4.JPG
Công nhân làm việc trong khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QH

5 giải pháp nâng cao khả năng phục hồi kinh tế năm 2024

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA):

Về sản xuất và xuất khẩu, tình hình doanh nghiệp trong ngành dệt may đang chứng kiến sự hồi phục trong đơn hàng nhờ vào việc đa dạng hóa thị trường và các nỗ lực chuyển đổi xanh.

Tình hình doanh nghiệp ngành chế biến nông sản, bao gồm gạo, thủy sản và trái cây, đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu bùng nổ tại Trung Quốc và sự thay đổi trong sở thích tiêu dùng.

Ngành chế biến thực phẩm báo cáo tăng 70% giá trị xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2024, nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng của nó vào nền kinh tế xuất khẩu của TP.HCM.

doanh-nghiep-Viet-ong-Nguyen-Ngoc-Hoa.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)

Trong khi đó, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tiếp tục gặp khó khăn với nhu cầu thấp và sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty nước ngoài sử dụng nguyên liệu rẻ hơn. Các khó khăn tài chính là phổ biến, với nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lịch trình giảm do thiếu đơn hàng và hạn chế dòng tiền. Với doanh nghiệp ngành bán lẻ và sự kiện đang trải qua sự suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng và giảm tần suất tổ chức sự kiện.

Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp TP.HCM có 4 kiến nghị. Thứ nhất, về hỗ trợ vốn và truy cập vốn: Để giải quyết vấn đề thiếu vốn cấp bách, chính phủ cần xem xét các cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả hơn.

Mặc dù có các chính sách hiện hành như trợ cấp lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH14, việc giải ngân vẫn còn rất ít. Doanh nghiệp đề xuất rằng hỗ trợ nên tập trung vào việc cung cấp giải pháp dòng tiền tức thời thay vì chỉ trợ cấp lãi suất.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính: Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện tính minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các khuyến nghị cụ thể bao gồm đơn giản hóa quy trình tiếp cận đất cho các dự án nhà ở xã hội và đẩy nhanh quy trình hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ ba, phát triển đầu tư và thương mại: TP.HCM nên tận dụng vị trí chiến lược của mình như một trung tâm kinh tế khu vực bằng cách nâng cao cơ sở hạ tầng cho giao thông, kho bãi, cảng và logistics. Ngoài ra, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn thông qua cải cách chính sách có thể thu hút và giữ chân các dự án quy mô lớn.

Thứ tư, phục hồi ngành du lịch: Thành phố nên ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch và các hoạt động quảng bá để thu hút nhiều du khách hơn. Điều này bao gồm đầu tư vào các dự án du lịch chính, cải thiện kết nối giao thông đến các địa điểm du lịch, và quảng bá du lịch văn hóa và lịch sử.

doanh-nghiep-Viet-Nam6.jpg
Doanh nghiệp đề xuất rằng hỗ trợ nên tập trung vào việc cung cấp giải pháp dòng tiền tức thời thay vì chỉ trợ cấp lãi suất. Ảnh: QH

Thứ năm, thực hiện Luật đất đai và Luật nhà ở mới: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản mới được thông qua dự kiến sẽ giải quyết nhiều điểm nghẽn pháp lý hiện tại trong ngành bất động sản. Việc triển khai nhanh chóng các luật này sẽ rất quan trọng trong việc phục hồi thị trường bất động sản và các ngành liên quan.

Bằng cách giải quyết những lĩnh vực trên, TP.HCM có thể nâng cao khả năng phục hồi kinh tế và hỗ trợ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hướng tín dụng vào những ngành nghề tạo động lực tăng trưởng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:

doanh-nghiep-Viet-chuyen-gia-Nguyen-Tri-Hieu.jpg
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024 đang tạo sự phát triển khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong nửa năm sau. Đặc biệt là trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất, làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, giảm lạm phát và tác động tích cực đến các cân đối vĩ mô khác.

Chúng ta có thể kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5%.

Các chính sách mới sẽ phát huy tác dụng trong dịp cuối năm, hỗ trợ tích cực nền kinh tế. Cụ thể, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng mức tiêu dùng, luân chuyển hàng hoá. Hay việc tăng lương từ 1-7 với mức tăng cao nhất từ trước đến nay cũng sẽ bơm một dòng tiền rất lớn ra nền kinh tế để kích thích tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong chính sách tài khóa, đầu tư công đóng vai trò quan trọng. Nếu Chính phủ giải quyết được những vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm thì cũng góp phần giúp nền kinh tế tăng tốc, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp.

hinh-cong-doan-danh-bong-ghe-o-to_UYMX.jpg
Cơ quan quản lý cần hỗ trợ định hướng tín dụng, đi vào những ngành nghề tạo ra động lực tăng trưởng. Ảnh: QH

Thông thường vào cuối năm, dòng tín dụng sẽ chảy mạnh hơn. Nhưng lưu ý không gấp gáp bơm mạnh vốn tín dụng cho nền kinh tế vì nền kinh tế không hấp thụ nổi, sẽ tạo ra lạm phát. Vì thế, khi nền kinh tế chưa tăng trưởng mạnh, thì cũng phải chấp nhận tình trạng tín dụng tăng thấp đến khi nền kinh tế sẵn sàng đón nhận số vốn từ các ngân hàng. Cơ quan quản lý có thể hỗ trợ định hướng tín dụng, đi vào những ngành nghề tạo ra động lực tăng trưởng, từ đó có cơ chế để tập trung hỗ trợ mạnh các lĩnh vực này.

Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam

Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới gần 11 tỉ USD, vốn đăng ký tăng thêm gần 5 tỉ USD và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 2,3 tỉ USD.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tổng vốn thực hiện cao nhất, đạt gần 10 tỉ USD, chiếm hơn 79% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,1 tỉ USD, chiếm 9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 481 triệu USD, chiếm 3,8%.

hinh-nha-may-o-to-vn1_QKCM.jpg
Vốn FDI đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng. Ảnh: QH

Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,5 tỉ USD, chiếm 42% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,3 tỉ USD, chiếm 12%; Trung Quốc 1,2 tỉ USD, chiếm 11%...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm