Đã ba ngày trôi qua, sáng nay, 24-3, dòng người gửi đồ tiếp tế cho người cách ly và hàng hóa vẫn đổ về đông đen trước cổng khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Đến sáng 24-3, khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia đã thông báo ngưng tiếp nhận hàng hóa tiếp tế.
Người đi tiếp tế với 1.001 lý do
Tại khu tiếp tế, sáng 24-3, trao đổi với phóng viên PLO, một phụ huynh cho biết: Đây là ký túc xá, vật dụng cá nhân là do sinh viên tự trang bị và họ đã dọn đi nên tại đây không có gì. Ở đây khác với khu cách ly là doanh trại quân đội, bộ đội để lại nhiều vật dụng cá nhân. Ở đây sinh viên đã về khá lâu nên vệ sinh cũng không tốt, cần phải dọn vệ sinh lại. Vậy nên người nhà phải gửi vô mền gối, quạt, đồ dùng như thau giặt đồ, chổi quét nhà, dầu gội…
Người đi tiếp tế và hàng hóa chen chúc trước khu cách lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: HÒA BÌNH
Một phụ huynh khác cho biết ngày đầu tiên vào đây, con bà nói thiếu nước uống nên bà gấp rút mang nước uống vào đây và gửi thêm một số đồ ăn, vật dụng khác. Một phụ huynh đứng gần đó cho hay vì con bà muốn có thêm đồ ăn, gia đình cũng muốn con được ăn uống đầy đủ hơn để có sức khỏe phòng chống dịch nên gửi đồ ăn, trái cây vào.
Một phụ huynh khác thì phàn nàn: “Tôi không có gửi gì quá cho con tôi hết, chỉ có một ít thức ăn, đồ dùng cần thiết gọn gàng mà hôm nay người ta không cho nhận nữa. Người ta làm vậy cũng phải thôi, mấy người gửi trước hôm qua họ kỳ quá. Làm cái gì mà phải gửi bia rượu, bài bạc vô đó cho con ăn nhậu, làm phiền thì người ta phải không cho gửi thôi, ảnh hưởng đến chung tất cả mọi người”.
Tất cả phụ huynh nói trên đều đeo khẩu trang và không muốn cho biết tên. Tuy nhiên, có một người lớn tuổi, tên Phúc, đi tiếp tế đồ cho vợ từ Mỹ đi thăm con gái về, cách ly được hai ngày sẵn sàng chia sẻ công khai: “Vợ tôi tên Đóa, 59 tuổi, nhà ở Tân Phú, bả nói ở trỏng cũng bình thường, thoải mái, không thiếu cái gì, người ta phát đủ hết, phát luôn cả bàn chải đánh răng, xà bông tắm, xà bông giặt, đồ ăn uống, sữa, trái cây. Bả nói cũng không cần gửi gì hết, ở mấy bữa rồi về. Nhưng tôi muốn gửi cho bả cái mền với cái quạt nhỏ vì ở trỏng không có".
Ông Phúc góp ý thêm: "Tôi thấy nếu cấm gửi thì cần thông báo rõ chứ sáng giờ tôi thấy mấy chú bảo vệ nói miệng chứ không có giấy tờ thông báo gì. Vậy nên người ta thắc mắc sao hôm qua gửi được mà hôm nay không được. Có người ở xa mấy trăm cây số tới đây không gửi đồ được cũng không gặp được người thân. Nếu cho gửi thì cũng quy định rõ cho gửi cái gì, không cho gửi cái gì, gửi bao nhiêu ký, kích thước ra sao, nhận giờ nào, nhận như thế nào”.
Theo người đi tiếp tế, quạt máy là vật dụng thiết yếu người cách ly cần có trong mùa nóng này để ở và ngủ ngon giấc. Ảnh: HÒA BÌNH
Ông Phúc, một người đi tiếp tế mền và quạt máy cho vợ 59 tuổi đang cách ly nói đây là hai thứ vợ ông và người cách ly cần nhất. Ảnh: HÒA BÌNH
Chị Cẩm Tú, người thân của một học sinh đang cách ly cũng chia sẻ: “Biết là người cách ly được chăm sóc nhu cầu cơ bản đầy đủ nhưng tâm lý người nhà chúng tôi là cũng nên cho gửi đồ tiếp tế vừa phải, chính đáng như quạt máy cho người thân mình được ăn ngủ thoải mái hơn để đảm bảo sức khỏe vì ở đến hai tuần, cũng khá dài chứ không phải một hai ngày. Thay vì cấm tiệt thì nên ra quy định được gửi hàng tiếp tế ở hạn mức, quy định như thế nào”.
Ý kiến dư luận: Chỉ nên gửi nhu yếu phẩm cần thiết
Điều đầu tiên dư luận quan tâm trong hai ngày qua là việc tụ tập hàng trăm người để tiếp tế cho người cách ly như thế dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng rất cao. Điều này cũng trái với yêu cầu không tụ tập đông người của Chính phủ trong mùa dịch.
Có nhiều người gửi nệm vào cho con ở khu cách ly. Ảnh: HÒA BÌNH
Việc người thân gửi đồ tràn lan, vô tội va cho người cách ly như tủ lạnh mini, lò vi sóng, bia rượu, thực phẩm thừa thãi đã gây sự phản cảm, chỉ trích mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Việc gửi hàng tiếp tế ào ạt như thế thực tế đã gây ra sự vất vả cho đội ngũ bảo vệ, phục vụ khu cách ly vì phải liên tục vận chuyển hàng từ cổng vào cho người cách ly.
Những người cách ly tụ tập ăn uống, đánh bài cũng là hình ảnh gây phản cảm trong cộng đồng. Ngoài lối sống không lành mạnh, cộng đồng còn lo sợ họ lây nhiễm chéo cho nhau khi ngồi ăn chơi, vui chơi chung.
Lén chuyền hàng vào tiếp tế vào khu cách ly khi có thông báo ngưng nhận hàng tiếp tế cho người cách ly là hình ảnh phản cảm cho cộng đồng. Ảnh chụp sáng 24-3: HÒA BÌNH
Cộng đồng xã hội kêu gọi những người cách ly và gia đình hãy có ý thức, hãy hạn chế nhu cầu của mình ở giai đoạn chống dịch quan trọng này để giảm gánh nặng cho Chính phủ và đội ngũ y tế, đội ngũ quân nhân, người tình nguyện, người phục vụ tại những khu cách lý, giảm thiểu ít nhất nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Lý do là người ở khu cách ly được cung cấp đầy đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm cơ bản, không phải quá thiếu thốn gì. Hãy để cho những người trẻ trưởng thành, biết tự xoay xở, thích ứng khi điều kiện sống thay đổi, vì đi cách ly phần lớn là người trẻ. Đừng chiều hư người trẻ.
Cộng đồng xã hội đề xuất ý kiến phải hạn chế việc tiếp tế cho người cách ly ở những nhu cầu thiết yếu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người.
Để tránh mất sức, đội ngũ phục vụ, canh gác khu cách ly chỉ nên nhận những hàng hóa thiết yếu nhất, sau đó gọi những người có tên xuống nhận, tự mang lên phòng chứ không mang vác lên dùm nữa.
Trong sáng 24-3, một số ít thân nhân người cách ly vẫn gửi vào cho người thân được thuốc men, khẩu trang, sữa - bình sữa cho em bé dưới hình thức gói đồ nhỏ gọn có thể cầm tay.
Đây là việc rất nên linh động vì thuốc men, khẩu trang, vật dụng cá nhân tế nhị như băng vệ sinh, hay những nhu cầu thiết yếu không phổ thông như sữa cho em bé, thức ăn cho người già là rất cần được tiếp tế.
Cho đến trưa 24-3, trước cổng khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đã treo bảng: “THÔNG BÁO: Theo sư chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia không nhận hàng hóa của thân nhân gửi vào. 24-3-2020”.
Trưa 24-3, Lê Bảo Tuyên - một học sinh lớp 12 vừa từ Mỹ về được cách ly tại khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đã chia sẻ với phóng viên PLO: “Nơi này nước uống đã đủ, ký túc xá có WiFi rất tốt. Mỗi người đã được phát chiếu gối. Một phòng ở bốn người có nhà vệ sinh riêng. Mọi thứ tạm đầy đủ và ổn, gia đình không cần gửi gì vào thêm. Nếu có gửi thì cần gửi quạt máy và mền”. |