Chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư
Năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án cấp nước sinh hoạt huyện Sa Thầy, có tổng mức đầu tư 116 tỉ đồng, công suất 5.100 m3/ngày đêm. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2019, cung cấp nước cho hơn 27.000 hộ dân tại huyện Sa Thầy.
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 98, nay là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum.
Nhà máy nước Sa Thầy liên tục chậm tiến độ. Ảnh: LK. |
Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa được bàn giao cho UBND huyện Sa Thầy quản lý, vận hành cấp nước sạch cho người dân. Công trình này liên tục được xin gia hạn vào các năm 2019, 2021 cho đến nay.
Gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ông Lê Ngọc Tuấn đích thân đi kiểm tra thực tế và ra tối hậu thư nếu không hoàn thành và bàn giao cho địa phương trước ngày 15-8 thì tỉnh sẽ xử lý chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Ngày 13-12, một lãnh đạo UBND huyện Sa Thầy, xác nhận chủ đầu tư vẫn chưa chính thức bàn giao công trình cấp nước sinh hoạt Sa Thầy (huyện Sa Thầy) cho huyện quản lý.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra từ ngày 7 đến 9-12, cử tri ý kiến tại sao công trình nước sạch Sa Thầy liên tục chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cử tri thắc mắc, nguyên nhân vì sao dự án đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng? UBND tỉnh đã xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chưa?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Đơn vị chủ đầu tư đã có báo cáo “đã tạm bàn giao” công trình từ tháng 9-2022. Nguyên nhân chậm trễ là do ảnh hưởng do dịch Covid-19; tuyến đường ống dài 60 km với địa hình phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, dự án phát sinh một số khiếm khuyết, lỗi kỹ thuật như rò rỉ đường ống, bục mối hàn… nên chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu hoàn thiện lại.
Đồng thời, ông Sâm cũng thẳng thắn thừa nhận, trách nhiệm để chậm trễ trong việc đưa dự án vào khai thác, sử dụng thuộc về Trưởng ban Ban Quản lý các dự án 98. UBND tỉnh đã xử lý trách nhiệm của Trưởng Ban (ông Phan Thanh Hùng) với hình thức cho thôi làm Trưởng ban và đã chuyển công tác.
Người dân mong chờ nước sạch
Mới đây (ngày 11-12), Trung tâm Môi trường và Dịch vụ Đô thị (thuộc UBND huyện Sa Thầy) đã có báo cáo về công tác chuẩn bị nhận bàn giao nhà máy nước Sa Thầy.
Trung tâm đã phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra công trình, ghi nhận còn nhiều tồn tại như: Nhà máy chưa có hệ thống chống sét bảo vệ thiết bị, chưa có bồn châm clo, bể điều hòa chưa có hệ thống phao tự động đóng ngắt… Chủ đầu tư chưa bàn giao quy trình vận hành các thiết bị khu nhà máy.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn kiểm tra công trình vào tháng 7-2022. |
Kiểm tra hệ thống đường ống vẫn chưa ổn định, vẫn còn xảy ra sự cố rò rỉ, vỡ đường ống. Một số công trình trên tuyến đường ống còn nhiều tồn tại cần khắc phục, đường ống nổi trên đường dễ bị phá hoại… những tồn tại này đang được chủ đầu tư phối hợp khắc phục.
Từ những bất cấp trên, ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Dịch vụ Đô thị kiến nghị Thường trực Huyện ủy và UBND huyện đề nghị chủ đầu tư vận hành công trình ổn định trước khi bàn giao về huyện. Đồng thời cho chủ trương khảo sát, đầu tư hệ thống đường ống cấp 3 tại một số điểm chưa có đường ống nước đi qua để phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân.
Cùng tâm tư, nguyện vọng người dân ở huyện Sa Thầy, ông A Thái, tổ đại biểu huyện Sa Thầy bày tỏ mong mỏi: “Đến nay, dự án đã nhiều năm vẫn chưa cung cấp nước sạch cho dân. Qua phản ánh của cử tri, một số đoạn ống bị hở mối nối, rò rỉ nước; nhiều hộ gia đình có nhu cầu sử dụng nước nhưng chưa có hệ thống ống nước đi qua. Cử tri mong muốn chủ đầu tư cam kết với dân là khi nào có nước sạch?”
Liên quan đến công trình nhà máy nước Sa Thầy liên tục trễ hẹn, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đã ra “tối hậu thư”, nếu đến cuối tháng 12-2022, chủ đầu tư không hoàn thành dự án, người dân không có nước sạch để dùng, đề nghị UBND tỉnh xem xét kiểm điểm, kỷ luật các đơn vị liên quan.