Bộ KH&ĐT vừa hoàn thiện dự thảo Luật PPP (đối tác công-tư) và đưa ra lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Đáng chú ý trong dự thảo lần này là quy định áp dụng dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (dự án BT), loại hình đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong suốt thời gian qua.
Không nước nào áp dụng
Theo Bộ KH&ĐT, từ năm 1997 đến nay, quy định pháp lý đối với loại hợp đồng BT đã có bốn lần thay đổi lớn về hình thức thanh toán. Đó là thanh toán bằng tiền, quỹ đất, tài sản công và quyền kinh doanh khai thác công trình. Theo cơ chế hiện hành, nguồn lực công đối ứng được xác định ngang giá với giá trị công trình BT.
Tuy vậy, bộ này nhận định một số vi phạm trong đầu tư BT giai đoạn trước năm 2015 khiến tổng mức đầu tư công trình BT quá cao. “Việc áp dụng chỉ định thầu tràn lan cho thấy còn tình trạng xin-cho trong triển khai BT. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán dự án BT không theo cơ chế cạnh tranh của thị trường” - tờ trình của Bộ KH&ĐT nêu bất cập. Đồng thời bộ này cho rằng việc tái phân phối giá trị địa tô tăng lên còn chưa thỏa đáng giữa các đối tượng người dân - nhà đầu tư - Nhà nước.
Mặt khác, theo kinh nghiệm quốc tế, rất ít quốc gia triển khai loại hợp đồng BT. Đặc biệt, không có quốc gia nào thanh toán dự án BT hoàn toàn bằng quỹ đất hoặc tài sản công. Với một số nước như Philippines có thực hiện dự án BT thì dùng phương pháp thanh toán dần bằng tiền. Hầu hết các quốc gia đều có hình thức khai thác nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng. Từ đó Bộ KH&ĐT kiến nghị đưa vào luật ba phương án đối với việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.
Phương án 1 là dừng triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Đây cũng là kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Phương án 2, đề nghị hoàn thiện cơ chế ngang giá với hai lựa chọn. Hoặc là nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng, sau đó mặt bằng được đấu giá và thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; hoặc thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT. Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng và không phải xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Phương án 3 là sửa đổi toàn diện phương thức đầu tư BT, từ việc lập, quản lý quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị và nhà ở đến việc sửa đổi các luật liên quan.
Cống kiểm soát triều Phú Định thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của TP.HCM được thực hiện theo hình thức BT. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Tiếp tục thực hiện
Mặc dù vậy, trong báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Văn phòng Chính phủ cho biết qua lấy ý kiến có 17/18 thành viên Chính phủ đồng ý cho phép tiếp tục thực hiện hình thức đầu tư theo hợp đồng BT. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo phải hoàn thiện các chính sách thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT kết hợp hai tiêu chí: Dự án, hiệu quả dự án BT và giá trị quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT.
“Văn phòng Chính phủ đề nghị Chính phủ xem xét, thống nhất với phương án theo đa số ý kiến thành viên cho phép tiếp tục thực hiện hình thức đầu tư theo hợp đồng BT. Tuy nhiên, đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát kỹ quy định của các luật Đất đai, Đấu thầu, Quản lý, sử dụng tài sản công... để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan, bảo đảm áp dụng triệt để hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc triển khai thực hiện để bảo đảm tính khả thi...” - Văn phòng Chính phủ ý kiến.
Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT Ngày 15-8, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 69/2019 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT). Theo đó, tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện BT ngoài quỹ đất, kết cấu hạ tầng, các loại tài sản công khác thì trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Trước khi dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT phải xác định giá trị quyền sử dụng đất và giá trị của tài sản trên đất tại thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất và không thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định giá trị trụ sở làm việc thanh toán… Nghị định 69/2019 cũng quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT. Mấu chốt nằm ở chỗ phải có “văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”. Với các trụ sở làm việc thuộc trung ương quản lý thì cơ quan trung ương phải lập hồ sơ trình bộ, cơ quan trung ương xem xét. Sau đó, cơ quan này gửi văn bản sang Bộ Tài chính xin ý kiến và gửi UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở làm việc để có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Sau khi có ý kiến tổng hợp của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh thì bộ, cơ quan trung ương mới tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT. Trụ sở làm việc thuộc địa phương quản lý cũng phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng mới được dùng để thanh toán các dự án BT. Tuy vậy, sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng, các cơ quan liên quan phải đấu thầu, ký hợp đồng BT và các nội dung khác về đầu tư, xây dựng…, đồng thời thực hiện nhiều thủ tục khác như nghị định đã nêu. Sau khi thanh toán thì các bên ký kết hợp đồng BT sẽ ký biên bản xác nhận hoàn thành việc thanh toán để thanh lý hợp đồng BT theo quy định của pháp luật. |