Bộ NN&PTNT cho biết từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân năm 2015 đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000 ha. Một số mô hình thực hiện liên kết có hiệu quả như Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Cường Tân (tỉnh Nam Định), Công ty Cổ phần Gentraco - Cần Thơ, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang,…
Tuy nhiên, theo báo cao kết quả hai năm thực hiện Quyết định số 62/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, trong thực tiễn sản xuất vẫn lộ nhiều hạn chế, khó khăn.
Cụ thể, tỉ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp. Mục tiêu quan trọng nhất trong hợp tác, liên kết, xây dựng cánh đồng lớn là tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý cho nông dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tỉ lệ thành công hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 20%-30% đối với lúa, cao nhất mới được trên 70%. Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến.
Tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm. Tuy cả nước đã có gần nửa triệu hecta canh tác theo mô hình cánh đồng lớn nhưng như ở ĐBSCL, nơi tập trung nhiều nhất diện tích cánh đồng lớn thì cũng mới chỉ đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa của vùng. Tính chung cả nước diện tích cánh đồng lớn mới đạt xấp xỉ 4% diện tích canh tác.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành hàng lúa gạo chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân, chưa có đủ điều kiện để tổ chức hệ thống thu mua nên hình thức thu mua nông sản chủ yếu là qua thương lái. Cả doanh nghiệp và nông dân đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nhưng việc tiếp cận vốn ở các mô hình cánh đồng lớn vẫn rất khó khăn.