Nhưng đằng sau con số “khủng” về sản lượng là bức tranh buồn: Giá gạo xuất khẩu Việt thường thấp nhất thế giới, bởi đến nay chúng ta vẫn chưa có thương hiệu gạo nào thực sự định vị trên thương trường quốc tế, xứng danh với một nước đứng hàng đầu về xuất khẩu.
Đáng buồn hơn, khi nước bạn Campuchia vốn đi sau Việt Nam gần 20 năm về xuất khẩu gạo, nay đã vượt mặt chúng ta trong xuất khẩu gạo thơm và xây dựng thương hiệu gạo. Cách nay không lâu, chuyên gia Việt Nam sang huấn luyện cho nông dân Campuchia trồng lúa nhưng nay họ đã ngẩng cao đầu tự hào đứng ngang hàng với Thái Lan, bỏ chúng ta lại phía sau.
Tại nhiều cuộc thi gạo ngon trên thế giới, người Campuchia ung dung rinh giải nhất gạo ngon về, còn chúng ta ra về tay trắng. Từ chỗ “vô danh” trên bản đồ gạo thế giới, hạt gạo của họ đã nhanh chóng khẳng định chỗ đứng.
Đâu chỉ có vậy, GS Võ Tòng Xuân - người từ lâu đã gắn bó với hạt gạo - nói Việt Nam nên học cách Campuchia tuyển chọn giống lúa, cách phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu gạo. Chuyên gia lúa gạo Việt Nam mới ngày nào được nhiều nước mời sang dạy cách làm lúa, không lẽ bây giờ ta phải khăn gói, xách cặp sang Campuchia học?!
Thật ra chúng ta không thiếu các lợi thế để nâng tầm hạt gạo. Cái Việt Nam thiếu là một nhạc trưởng kết nối giữa các nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà băng) lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp kết thành một chuỗi nâng giá trị hạt gạo Việt. Bởi thế vẫn mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy xuất mà thiếu một tiếng nói chung.
Cái chúng ta thiếu nữa là một cơ chế hợp lý để mọi thành phần có thể tham gia phát triển ngành lúa gạo. Một chuyên gia từng phát biểu đến nay xuất khẩu gạo vẫn là ngành kinh doanh có điều kiện và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang tập trung quyền lực quá nhiều. Chính cơ chế mang tính “độc quyền” này đang làm cho ngành lúa gạo bị thụt lùi, doanh nghiệp tư nhân khó phát triển.
Hệ quả tất yếu là chúng ta làm ra nhiều, xuất khẩu nhiều nhưng chỉ là số lượng, giá trị gia tăng mang lại rất thấp và hàng triệu nông dân hằng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn nghèo.
Tại hội thảo về xây dựng thương hiệu gạo vừa diễn ra ở miền Tây Nam Bộ, các cơ quan hữu quan đã công bố mục tiêu đến 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng liệu tham vọng này có trở thành hiện thực? Câu trả lời không nằm trên giấy, ở trong các hội nghị mà phải bắt đầu bằng những việc rất cụ thể. Nếu vẫn cứ dừng lại ở khẩu hiệu thì danh sách thua kém các nước sẽ ngày càng dài ra.
ĐÌNH LONG