Ngày 7-2, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết Ban giám đốc công ty đã thông báo đến toàn thể người lao động, cán bộ thương nhân đang kinh doanh tại chợ thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch.
Cụ thể, người làm việc, buôn bán tại chợ phải đeo khẩu trang khi vào chợ. Cán bộ, người lao động có về quê hoặc du lịch trở về từ vùng có người bệnh trong những ngày vừa qua phải báo cáo kịp thời với người phụ trách đơn vị.
Thương nhân, người phụ vựa phải đeo khẩu trang khi vào chợ đầu mối Hóc Môn.
Các khu kinh doanh ăn uống phải vệ sinh sạch sẽ nơi kinh doanh, mỗi sạp vựa khu kinh doanh tự trang bị nước rửa tay kháng khuẩn. Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người và đến ngay các cơ sở y tế càng sớm càng tốt; tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, nơi kinh doanh bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ…
Tương tự, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cũng cho biết chợ đã khuyến cáo về đeo khẩu trang cho thương nhân và người mua bán tại chợ trên loa phóng thanh.
Tiểu thương bán thủy hải sản tại chợ Bà Hoa đeo khẩu trang khi bán hàng.
Khảo sát tại các chợ lẻ như chợ Bà Hoa, chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Tân Phú (quận Tân Phú)… cho thấy các tiểu thương chủ yếu ở ngành hàng tươi sống đã đeo khẩu trang y tế. Bà Oanh tiểu thương ngành hàng chạp phô chợ Hoàng Hoa Thám cho biết cách đây hai ngày ban quản lý chợ có phát loa liên quan đến các biện pháp phòng ngừa dịch Corona.
“Mình bán hàng hóa tiếp xúc nhiều người nên phải đeo để phòng ngừa. Tôi không thấy bất tiện gì khi đeo khẩu trang lúc bán hàng vì bình thường khi đi lấy hàng cũng quen đeo rồi. Mặt khác, nếu mình không đeo khẩu trang y tế trong mùa dịch như vầy người mua họ cũng ngại” - bà Oanh nói.
Tại chợ Bà Hoa, dọc các quầy thịt, thủy hải sản, rau, trứng gia cầm... phần lớn các tiểu thương có mang khẩu trang nhưng còn trường hợp mang không đúng cách.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp: Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus nCov. Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi... Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm "ảo", khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng. |
Một số hình ảnh ghi nhận sáng 7-2 tại các chợ, cửa hàng tiện lợi
Nhân viên cửa hàng Bách Hóa Xanh phải đeo khẩu trang khi phục vụ khách hàng.
Cửa hàng tiện lợi Co.op Food yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang và hướng dẫn người tiêu dùng cách phòng dịch Corona.
Có tiểu thương đeo khẩu trang nhưng lại tháo ra để tiện trao đổi khi bán hàng.
Để chủ động phòng bệnh, tiểu thương ngoài chợ Tân Phú tự trang bị khẩu trang khi bán hàng.
Bà Oanh - tiểu thương ngành chạp phô chợ Hoàng Hoa Thám cho biết không bất tiện khi đeo khẩu trang bán hàng.
Tiểu thương ngành hàng thịt heo chợ Hoàng Hoa Thám không ngại mang khẩu trang.
Tiểu thương bán trứng gia cầm chợ Tân Phú lúc vắng khách.
Khẩu trang vải cũng được dùng chống dịch cúm Corona.
Người bán ở tiệm vàng chợ Hoàng Hoa Thám.