Sau hai chương trình đầu tiên với đêm nhạc Trúc Phương, Vũ Thành An, chương trình Người kể chuyện tình đã phát sóng đêm thứ ba với nhạc Châu Kỳ mang chủ đề Người tình xưa.
Bà Kha Thị Đàng, vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ trong Người kể chuyện tình.
Những người tình trong âm nhạc của Châu Kỳ được phác họa qua loạt ca khúc: Thương về miền Trung, Giọt lệ đài trang, Túy ca, Khuya nay anh đi rồi, Con đường xưa em đi, Sao chưa thấy hồi âm với giọng hát của các thí sinh Nam Cường, Thu Trang, Triệu Long, Phú Quí, Hà Thúy Anh, Thúy Huyền.
Ca sĩ Hà Thúy Anh đã chiến thắng tuần thi đêm nhạc Châu Kỳ.
Điểm đặc biệt khác chương trình Trúc Phương và Vũ Thành An chính là phần xuất hiện của người tình trọn đời - Kha Thị Đàng, vợ nhạc sĩ Châu Kỳ. Chương trình trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ hân hoan trong tình yêu đến cả những giọt nước mắt mãi nhớ thương chồng của vợ nhạc sĩ Châu Kỳ.
Sao chưa thấy hồi âm là bản nhạc được nhà in đem xe tải đến tận nhà nhạc sĩ Châu Kỳ mua bản quyền và chở đi in tờ nhạc
Trong chương trình, ngoài kỷ niệm về tình yêu trong ca khúc, chia sẻ của vợ nhạc sĩ Châu Kỳ cùng danh ca Phương Dung, Thái Châu, Chung Tử Lưu gợi nhiều kỷ niệm về nền âm nhạc Sài Gòn những năm 1960-1970. Ở đó, ngoài những giọng ca, những hãng thu âm dĩa thì nhạc sĩ thuở đó sống thoải mái còn nhờ bản quyền ca khúc được mua để in thành tờ nhạc.
Không chỉ nhạc sĩ Châu Kỳ mà nhạc sĩ ở Sài Gòn những năm trước 1975 sống được nhờ việc bán bản in ronéo tờ nhạc
“Ca khúc Sao chưa thấy hồi âm, thơ của nhà thơ Trương Minh Dũng. Khi đó Dũng ở Đà Lạt đã gửi bản thơ về cho anh Châu Kỳ. Ngay khi bản thơ được phổ nhạc có một nhà in đã đưa xe tải đến tận nhà để đặt in tờ nhạc độc quyền riêng cho họ” - bà Kha Thị Đàng kể về bản in ca khúc Sao chưa thấy hồi âm.
Có lẽ giờ không ít chương trình sử dụng những ca khúc từ trước 1975 để thi thố nhưng không nhiều chương trình mà ở đó khán giả để lại những lời nhắn nhiều kỷ niệm như Người kể chuyện tình. Trên Fanpage của chương trình ở Facebook, khán giả tên Trần Anh Minh đã viết phản hồi (comment): “Hồi đó các nhạc sĩ sống được vì ngoài bản quyền ra thì còn thu lợi lớn từ việc bán tờ nhạc bướm (ronéo)”.
Những nghệ sĩ giữ gìn ký ức âm nhạc một thời...
Những tờ nhạc đã lùi vào quá vãng, người in ronéo cuối cùng của Sài Gòn trên “phố nhà in” ở đường Lý Thái Tổ cũng đã dần chuyển qua in offset. Tất cả kỷ niệm có lẽ chỉ còn trong những bản nhạc, trong ký ức của những nghệ sĩ như Phương Dung, Kha Thị Đàng…