Thuế tối thiểu toàn cầu là một giải pháp quốc tế nhằm chống thất thu thuế từ những hoạt động kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Nhiều nước đã lên kế hoạch đánh thuế này từ 2024, dẫn tới nguy cơ giảm hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế mà Việt Nam đang áp dụng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước vấn đề mới này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hôm nay, 18-4, đã trực tiếp chủ trì một hội thảo mổ xẻ thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và dự báo tác động tới Việt Nam của thuế tối thiểu toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam. Ảnh: BTC |
Theo Bộ Tài chính, hầu hết các nước thuộc EU, Thuỵ Sỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, HongKong, Australia… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang là các nước có tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuộc loại lớn. Đây cũng là các nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Đến lúc này, Bộ Tài chính thống kê được 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này.
Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì họ sẽ được thu thêm 12.000 tỷ đồng riêng năm 2024. Và như thế, hiệu quả đầu tư của họ vào Việt Nam sẽ giảm một phần không nhỏ so với khi chưa bị áp thuế tối thiểu toàn cầu.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết các quốc gia chịu tác động tiêu cực từ thuế tối thiểu toàn cầu đang tìm kiếm các giải pháp đối phó.
Chẳng hạn, Thái Lan dự kiến xây dựng một “gói” chính sách mới về ưu đãi thuế nội địa, thuế tối thiểu trong nước và các hỗ trợ khác. Ấn Độ đã có chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất công nghệ cao bằng một khoản tiền đối với mỗi chiếc điện thoại trị giá khoảng 130USD.
Toàn cảnh hội thảo về giải pháp ứng phó Thuế tối thiểu toàn cầu sáng 18-4. Ảnh: BTC |
Với Việt Nam, ông Minh cho rằng có thể cân nhắc các giải pháp hỗ trợ tài chính, chẳng hạn hỗ trợ các doanh nghiệp trong về hạ tầng cơ bản cho sản xuất; hỗ trợ đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho công nhân; hỗ trợ bảo hiểm xã hội - y tế cho người lao động; hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thân thiện môi trường...
Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, ông Minh cho rằng Nhà nước cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.
Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua.
Triển khai các hành động của BEPS, tháng 7-2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20 đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu ).
Giải pháp này gồm hai trụ cột: Phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; và đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.
Đến nay, khung giải pháp hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS. Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi này.
Theo nguyên tắc thuế TTTC, các nước thành viên nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn; nếu không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên khác áp dụng.
Trước vấn đề mới này, để bảo vệ sức cạnh tranh quốc gia, tháng 8-2022, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng. Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.