Tìm kết nối 2 cung đường du lịch trên sông Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-3, đoàn chuyên gia văn hóa học và lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã có chuyến khảo sát các công trình di tích văn hóa dọc sông Sài Gòn. Đoàn đã quan sát, tìm kiếm khả năng kết nối các di sản văn hóa dọc sông này thành hai cung đường để tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.

Tận dụng thế mạnh lịch sử - văn hóa

Các chuyên gia của đoàn khảo sát nhận định dải đất phía bắc và tây bắc trung tâm TP.HCM có vị trí bằng phẳng với đất phù sa cổ và đất sét chứa nhiều khoáng chất quan trọng… Đó là nền tảng để hình thành nghề làm gốm và các nghề thủ công truyền thống khác. Dân gian gọi là “miền đất phúc”. Dọc sông là các công trình văn hóa mang tính đặc trưng của Đông Nam bộ.

Đền Bến Dược (khu địa đạo Củ Chi) là một trong các công trình văn hóa
đặc sắc ven sông Sài Gòn. Ảnh: VÕ NGUYÊN

Đầu tiên là cụm di tích ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) với văn hóa tín ngưỡng dân gian và tôn giáo như chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, miếu Thiên Hậu, miếu Quan Đế…

Thứ hai, cụm di tích lịch sử Bến Dược - địa đạo Củ Chi. Khai thác cung đường này phải làm nổi bật được giá trị con sông Sài Gòn với hơn 300 năm hình thành và phát triển Sài Gòn - TP.HCM - Đông Nam bộ.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, cho biết sau chuyến khảo sát này hy vọng sẽ mở ra thêm cung đường du lịch lịch sử - văn hóa của vùng đất phúc Bình Dương - Củ Chi. Từ đó, nối thông nguồn mạch linh khí sông Sài Gòn, mang tri thức làng nghề thủ công Bình Dương và truyền thống cách mạng hào hùng của quân và dân Củ Chi đến với nhiều du khách hơn.

GS-TS Thơ nhận định hiện nay các đơn vị khai thác mới chỉ khai thác các tuyến du lịch ngắn, chưa có tính kết nối sâu vào bên trong, đặc biệt là các di sản văn hóa. Thông qua chuyến khảo này, đoàn sẽ đề xuất các tour du lịch hiệu quả và “có hồn” hơn.

“Có thể thấy TP.HCM có diện tích sông ngòi chiếm 70% so với ĐBSCL và nếu TP khai thác hiệu quả thì sẽ thu hút rất lớn hành khách. Điều chúng ta cần làm là diện mạo con sông đẹp hơn, xây dựng các điểm dừng thu hút như cà phê, khu vực thể thao, điểm check in… Nếu chúng ta tổ chức tốt thì du lịch sông nước vùng Đông Nam bộ này có thể phát triển hơn cả Cần Thơ.

Ông Thơ cho rằng để phát triển du lịch theo hướng này, ngành chức năng cần đưa ra phân khúc khách du lịch để khai thác. Các điểm du lịch cũng cần có sự liên kết với nhau để mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên cũng cần trang bị kiến thức, lồng ghép các yếu tố văn hóa, các chuyện hấp dẫn cho du khách. Không chỉ vậy, các điểm du lịch lịch sử - văn hóa cũng cần chú ý vào sự trải nghiệm để du khách có thể hòa mình vào đời sống người dân như thu hoạch khoai mì, làm bánh, bắt cá, trồng lúa, làm gốm…

“Nếu chúng ta đi đường thủy sẽ rút ngắn thời gian hơn so với đường bộ. Đặc biệt, khi đi bằng đường sông, du khách còn có thể du lịch trải nghiệm cảnh quan sông nước trong suốt hành trình” - ông Thơ nhận định

Tăng sự kết nối, tăng sự trải nghiệm

Ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển linh tế và du lịch, nhận định: “Việc chúng ta cần làm là tính toán phân khúc thị trường, du khách là ai để thu hút. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng các tour du lịch kết nối ký ức và nhận diện sự hội tụ, giao lưu văn hóa. Các điểm du lịch cũng cần tăng sự kết nối, tăng sự trải nghiệm… để tạo nên các “điểm chạm cảm xúc” từ thực hành của du khách gắn với các tuyến du lịch dọc sông Sài Gòn.

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, giảng viên cao cấp Khoa văn hóa học, cho biết dự định tổ chức các tour du lịch đường sông Sài Gòn là ý tưởng rất tuyệt vời. Chuyến khảo sát cho thấy trước mắt có thể khai thác xây dựng thành hai tour du lịch tùy theo nhu cầu của du khách. Tour xa hơn đi đến đền Bến Dược - địa đạo Củ Chi. Tour gần đi đến Bình Dương, tại Bình Dương có hai bến đỗ là Thủ Dầu Một và Lái Thiêu. Tại Thủ Dầu Một, từ cầu tàu lên, đi bộ thì có thể tham quan các điểm như miếu Bà Thiên Hậu, nhà thờ Phú Cường, miếu Quan Đế… kết hợp với xe trung chuyển có thể đến chùa Tây Tạng và chùa Hội Khánh. Trên đường về, vào Lái Thiêu có thể tham quan khu vực lò gốm, vườn cây ăn trái.

Về lâu dài, GS Thêm cho rằng chúng ta cần khôi phục hình ảnh một Sài Gòn - TP.HCM mang hồn văn hóa sông nước. Đồng thời xây dựng một kế hoạch dài hơi, một chiến lược tổng thể phối hợp giữa Nhà nước với các công ty du lịch và người dân, thực hiện xã hội hóa, tạo thành mạng lưới cộng đồng. Tour du lịch đường sông cần được đầu tư hơn nữa, hai bên bờ sông Sài Gòn cần được chỉnh trang diện mạo, xây dựng các điểm nhấn, tạo nét đặc thù riêng để thu hút du khách quay lại và lan tỏa đến nhiều người hơn.•

 

Cần một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, cho biết để phát triển du lịch thì TP rất cần một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh với các bến thủy, nhà ga tàu thủy. Mỗi nhà ga tàu thủy sẽ là một “cửa mở ra sông”. Hệ thống chuỗi bến thủy, nhà ga tàu thủy sẽ tạo ra hệ sinh thái sông nước của TP.

Cùng với thị trường khách du lịch đường bộ, đường hàng không, thị trường khách du lịch tàu biển, tàu sông đang là một trong những nguồn khách quốc tế có sự tăng trưởng, đạt hiệu quả cao và rất ổn định.

Qua các bến thủy, mọi người dân và khách du lịch sẽ đón nhận một dịch vụ vận chuyển, du lịch đường sông có dấu ấn về văn hóa, thuận tiện và hiện đại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm